Bối cảnh cải cách
Theo EAF, mục tiêu đầy tham vọng của các nhà lãnh đạo Indonesia là nâng tỷ lệ thu thuế lên mức chưa từng có là 23% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhấn mạnh cam kết không chỉ nâng cao sức khỏe tài chính của quốc gia, mà còn điều chỉnh nó chặt chẽ hơn với các tiêu chuẩn khu vực.
Trọng tâm của chiến lược tài chính đầy tham vọng này là đề xuất thành lập Cơ quan Thuế nhà nước (BPN), một cơ quan mới được thiết kế để hợp lý hóa và giám sát tất cả các khía cạnh thu và quản lý nguồn thu nhà nước, hoạt động trực tiếp dưới sự giám sát của Tổng thống. Động thái chiến lược này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, báo hiệu ý định nhằm cải tổ hệ thống thuế hiện tại của chính quyền mới.
Trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ thu thuế trên GDP của Indonesia luôn ở mức khiêm tốn, đạt đỉnh điểm chỉ 11,4% trong thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ năm 2023 là 10,21% GDP, với tổng doanh thu thuế là 1.869 nghìn tỷ Rp (khoảng 120,5 tỷ USD). Con số này hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ thu thuế trung bình 19,8% được quan sát thấy ở nhiều quốc gia châu Á và Thái Bình Dương, theo báo cáo của Thống kê Doanh thu thuế ở châu Á và Thái Bình Dương năm 2023 mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố.
Những thách thức và mệnh lệnh chiến lược
Mục tiêu của chính quyền Prabowo về tỷ lệ thu thuế 23% không chỉ mang tính tham vọng, mà còn là mệnh lệnh chiến lược nhằm giải quyết những lỗ hổng tài chính lâu dài đã cản trở sự phát triển kinh tế của Indonesia. Bởi mục tiêu đó không chỉ cao hơn gấp đôi tỷ lệ hiện tại, mà còn cao hơn mức trung bình của khu vực hiện nay. Tuy nhiên, hành trình hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trên rất phức tạp, đầy rẫy những thách thức về cả thể chế lẫn kinh tế.
BPN được đề xuất là nền tảng của chương trình cải cách thuế của Tổng thống Prabowo và Phó Tổng thống Gibran. Bằng cách tập trung các chức năng thu thuế vào một cơ quan duy nhất báo cáo trực tiếp với Tổng thống, sáng kiến này nhằm loại bỏ tình trạng quan liêu kém hiệu quả, đồng thời nâng cao khả năng của Chính phủ trong việc quản lý các nguồn tài chính hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, sự thành công của BPN phụ thuộc vào quyền tự chủ và khả năng lãnh đạo. Việc thành lập cơ quan này được coi là một giải pháp khắc phục các vấn đề cố hữu đang gây khó khăn cho hai cơ quan thuộc Bộ Tài chính là Tổng cục Thuế (DGT) và Tổng cục Hải quan và thuế hàng hóa, bao gồm cả những cuộc đấu tranh lâu dài của các cơ quan này để đánh thuế đầy đủ vào nền kinh tế ngầm và các giao dịch kỹ thuật số.
Trên thực tế, nền kinh tế ngầm, chiếm khoảng 26% tổng nền kinh tế Indonesia - tương đương khoảng 5.223 nghìn tỷ Rp (336 tỷ USD) vào năm 2023, là rào cản đáng kể đối với việc tăng thu ngân sách nhà nước. Việc đánh thuế hiệu quả đối với lĩnh vực này không chỉ đòi hỏi một BPN mạnh mẽ và tự chủ, mà còn cần sự hợp tác chiến lược với các cơ quan giám sát tài chính khác như Trung tâm Phân tích và báo cáo giao dịch tài chính Indonesia (PPATK). Do cả BPN và PPATK hiện tại đều hoạt động dưới sự giám sát trực tiếp của tổng thống và sẽ ở cùng cấp độ trong hệ thống phân cấp quan liêu của Indonesia, việc tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa họ có thể hỗ trợ đáng kể trong việc theo dõi và đánh thuế các hoạt động tài chính hiệu quả hơn. Sự hợp tác đó có thể đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện và đánh thuế các hoạt động kinh tế ngầm.
Hơn nữa, việc hợp nhất DGT và Tổng cục Hải quan và thuế hàng hóa vào BPN sẽ là nỗ lực hành chính phức tạp. Nó đặt ra câu hỏi về hiệu quả hoạt động ban đầu của cơ quan mới và khả năng nhanh chóng chuyển hướng sang tăng cường thu ngân sách nhà nước.
Như đã đề cập ở trên, tiềm năng của BPN trong việc cải thiện đáng kể nguồn thu thuế của Indonesia phụ thuộc vào quyền tự chủ của cơ quan này, cho phép BPN hoạt động mà không bị can thiệp chính trị và tập trung vào quản lý tài chính chiến lược. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo của BPN cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong sự thành công của nó. Các quy trình lựa chọn minh bạch, dựa trên thành tích đối với các nhà lãnh đạo của cơ quan là rất cần thiết để bảo đảm rằng BPN hoạt động dưới sự hướng dẫn của những cá nhân có tính liêm chính, chuyên môn tốt và hiểu biết sâu sắc về quản lý tài chính.
Theo giới phân tích, tầm nhìn cải cách thuế của Tổng thống Prabowo và Phó Tổng thống Gibran, thông qua việc thành lập BPN, thể hiện thay đổi căn bản hướng tới việc đạt được sự bền vững tài chính và khả năng phục hồi kinh tế cho Indonesia. Tuy nhiên, hiện thực hóa tầm nhìn này đòi hỏi nỗ lực phối hợp vượt xa những lời hứa chính trị. Nó cần một chiến lược toàn diện, sự hỗ trợ chính trị vững chắc và cam kết rõ ràng về tính minh bạch lẫn trách nhiệm giải trình.
Nói chung, sự thành công của kế hoạch thuế đầy tham vọng trên cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các mệnh lệnh chiến lược trên. Có nhà phân tích cho rằng, nếu không có sự cống hiến thực sự và nỗ lực nhất quán, sáng kiến trên có nguy cơ chỉ trở thành một cử chỉ chính trị, đơn thuần là tái phân phối quyền lực hơn là tăng cường doanh thu nhà nước.
Khi Indonesia đang trên đà chuyển đổi tài chính quan trọng, con đường được chọn sẽ không chỉ xác định lại bối cảnh kinh tế của đất nước, mà còn tạo tiền lệ cho quản trị và quản lý tài khóa quốc gia.