Indonesia gia nhập BRICS

Bước đi quan trọng

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khởi đầu năm 2025 bằng một bước tiến ngoạn mục với sự gia nhập của Indonesia - quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế hàng đầu khu vực Ðông Nam Á. Giới quan sát nhận định, việc kết nạp Indonesia sẽ củng cố nỗ lực của khối nhằm nâng cao vị thế địa chính trị toàn cầu, cũng như tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu.

brics.jpg
Indonesia chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ. Nguồn: Rusian's pivot to asia

Theo Chính phủ Brazil, đơn xin gia nhập nhóm của Indonesia đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi vào năm 2023. Tuy nhiên, Indonesia đã trì hoãn việc chính thức hóa tư cách thành viên cho đến khi chính phủ mới được thành lập vào năm ngoái.

Sứ mệnh mới của Indonesia

Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, sở hữu dân số hơn 280 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế thường duy trì ở mức hơn 5%/năm trong thập niên qua, Indonesia được coi là một thị trường mới nổi năng động mang tới nhiều tiềm năng phát triển. Hơn nữa, Indonesia và BRICS cùng chia sẻ quan điểm về nỗ lực cải cách hệ thống quản trị toàn cầu và tăng cường hợp tác sâu rộng ở khu vực nam bán cầu. Do đó, sự gia nhập của Indonesia được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh để BRICS tiếp tục khẳng định vị thế trong quá trình hình thành trật tự quốc tế đa cực mới.

Sau khi Chính phủ Brazil thông báo về việc kết nạp Indonesia, Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra tuyên bố nêu rõ, Indonesia là một quốc gia có nền kinh tế đa dạng và ngày càng phát triển, cam kết tích cực đóng góp vào chương trình nghị sự của BRICS về khả năng phục hồi kinh tế, hợp tác công nghệ và phát triển bền vững. Đối với Indonesia, việc gia nhập BRICS không chỉ đơn thuần là hợp tác kinh tế mà còn là sự liên kết chính trị, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực gia tăng quan hệ đối tác với các quốc gia mới nổi khác. BRICS phù hợp với các chương trình nghị sự của đất nước, đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời khẳng định, nhóm là “phương tiện thúc đẩy lợi ích của các nước Nam bán cầu”.

Chính quyền của Tổng thống Prabowo thừa nhận rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi sự đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và tăng cường đầu tư nước ngoài. Tư cách thành viên BRICS sẽ giúp Indonesia tiếp cận các thị trường ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, phù hợp với chiến lược mở rộng các mối quan hệ thương mại phi truyền thống của nước này. Ông Eddy Soeparno - một thành viên của đảng Ủy nhiệm Quốc gia (PAN), kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng thuộc Quốc hội Indonesia cho biết, việc trở thành thành viên đầy đủ của BRICS là một bước đi chiến lược để hỗ trợ Indonesia đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7 đến 8% bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư và tài trợ cho các dự án của chính phủ, từ cơ sở hạ tầng đến năng lượng tái tạo.

Đối với khu vực, tư cách thành viên của BRICS có thể nâng cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong Cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giúp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và BRICS, từ đó tạo ra một khu vực Đông Nam Á mạnh mẽ và kết nối hơn.

Giới quan sát nhận định, Indonesia gia nhập BRICS là một bước đi chiến lược nhằm tăng cường hợp tác, nhất là với các nước đang phát triển, theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời là một nền tảng quan trọng để tăng cường hợp tác Nam - Nam, bảo đảm tiếng nói và nguyện vọng của các nước đang phát triển được lắng nghe và phản ánh trong quá trình ra quyết định trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội, Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức về địa chính trị và chính sách đối ngoại. Các chuyên gia cho rằng, quốc gia này cần cân nhắc kỹ lưỡng việc cân bằng mối quan hệ với các đối tác truyền thống từ Mỹ và phương Tây, đồng thời phải tìm cách đạt được sự đồng thuận trong nội khối với các quốc gia thành viên BRICS khác, nơi lợi ích và quan điểm có thể rất khác biệt. Khi Indonesia bắt đầu hành trình chuyển đổi này, sự tham gia tích cực của nước này vào BRICS sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai kinh tế của nước này, cũng như đóng góp vào tầm nhìn của khối về một trật tự toàn cầu công bằng hơn.

Khẳng định vị thế toàn cầu

BRICS đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình như một diễn đàn quốc tế quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển; đồng thời gia tăng tiếng nói của các nước Nam bán cầu. Từ 4 nước ban đầu ở thời điểm mới thành lập, khối kinh tế này nhanh chóng mở rộng mạng lưới thành viên ra khắp các khu vực từ châu Á tới châu Phi, với sự tham gia của Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất (UAE). Hiện nay, nhiều quốc gia bày tỏ muốn gia nhập nhóm. Với sự thể hiện rõ ràng mong muốn tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Azerbaijan, quy mô của BRICS nhiều khả năng còn tiếp tục được mở rộng trong tương lai. Thêm vào đó, Kazakhstan, Malaysia, Cuba và Bolivia cũng đã trở thành đối tác của BRICS vào ngày đầu tiên của năm mới 2025.

Trước khi Indonesia gia nhập, BRICS đã chiếm gần một nửa dân số toàn cầu và hơn 41% GDP thế giới. Nhiều thành viên BRICS là các nhà sản xuất hàng đầu những mặt hàng thiết yếu như dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, thịt và khoáng sản quan trọng như quặng sắt, đồng và niken - một khoáng chất quan trọng cần thiết cho các công nghệ năng lượng tái tạo như pin và tấm pin mặt trời. Việc chính thức đón nhận thêm ba cường quốc dầu mỏ là Ảrập Xêút, UAE và Iran hồi đầu năm 2024, đã giúp BRICS quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới và trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mới đây nhất tại Kazan, Nga vào tháng 10.2024, các quốc gia thành viên đã thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ và thúc đẩy các giao dịch không phải bằng USD. Trước sức ảnh hưởng mạnh mẽ của khối, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cảnh báo áp thuế 100% đối với các nước BRICS.

Việc kết nạp Indonesia cũng có nghĩa siêu cường niken duy nhất trên thế giới hiện là thành viên của BRICS, bên cạnh các “ông lớn” sản xuất niken khác như Nga, Trung Quốc và Brazil. Bên cạnh đó, nhờ sự đa dạng với các thành viên và đối tác đến từ nhiều khu vực trên thế giới, BRICS cũng là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói của các quốc gia đang phát triển và mới nổi trên thế giới.

Cùng với việc phát triển quy mô nhóm, BRICS cũng đang thúc đẩy những cải cách sâu rộng hơn đối với các tổ chức mang tính toàn cầu như Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những điều này giúp khối ngày càng khẳng định vị thế là một tổ chức định hình trật tự thế giới mới, hướng tới một tương lai công bằng, toàn diện hơn. Chứng kiến sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ, BRICS đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi sâu rộng đối với nền kinh tế và hệ thống quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hợp tác trong khuôn khổ BRICS đồng thời mở ra cơ hội để các nước đang phát triển khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những lợi thế trong việc liên tục mở rộng cũng đặt ra thách thức đối với BRICS, nhất là khi một số nước thành viên phát triển không đồng đều về kinh tế.

Quốc tế

Gác lại quá khứ, viết tiếp tương lai
Việt Nam và các nước

Gác lại quá khứ, viết tiếp tương lai

Tròn 30 năm trước, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ, một cột mốc trọng đại khép lại quá khứ chiến tranh, đưa mối quan hệ từ cựu thù trở thành Đối tác Toàn diện và giờ đây là Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhân dịp đầu Xuân, ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 30 năm qua cũng như tiềm năng và dư địa mà hai nước có thể thúc đẩy trong tương lai.

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris: Bước lùi đáng tiếc
Thế giới 24h

Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris: Bước lùi đáng tiếc

Ngay trong những giờ đầu tiên quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đối với Mỹ, quyết định này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đô la, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ tạo ra làn sóng lo ngại toàn cầu về tương lai phát triển bền vững, đặc biệt khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường.

Nguồn: Straitstimes
Quốc tế

Vì một thế hệ trẻ em sống lành mạnh

Bắt đầu từ năm 2025, mọi trẻ em từ lớp 1 đến lớp 3 tại Singapore sẽ được nhận một kế hoạch sức khỏe cá nhân. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia mang tên Grow Well SG, được thiết kế để giúp trẻ hình thành lối sống lành mạnh từ sớm, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Sáng kiến này được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Bộ Phát triển gia đình và xã hội cùng triển khai, chính thức ra mắt vào ngày 21.1.

Chiến lược “ba mũi tên” của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Quốc tế

Chiến lược “ba mũi tên” của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã công bố chiến lược “ba mũi tên”, bao gồm ​​duy trì thâm hụt tài chính của Mỹ ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng trưởng GDP ở mức 3% mỗi năm và tăng sản lượng dầu khí lên tương đương ba triệu thùng mỗi ngày. Những mục tiêu tham vọng này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nhằm hướng tới điều mà thị trường tài chính mong đợi đó là tăng trưởng đi đôi với sự ổn định; tuy nhiên, kế hoạch này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính động thái của tân Tổng thống Donald Trump, cũng như phụ thuộc vào thực tế phức tạp về tài chính và thị trường.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Quốc tế

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp

Sau khi tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới những vấn đề “nóng” như nhập cư, thuế quan, công nghệ và khai thác dầu mỏ. Động thái cho thấy ông đang hiện thực hóa các cam kết tranh cử.

Nguồn: AP
Quốc tế

Con đường tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động của Nhật Bản

Trong suốt ba thập kỷ, tiền lương tại Nhật Bản gần như trì trệ, gây ảnh hưởng đến sức mua và chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 2024, một bước ngoặt đáng chú ý đã diễn ra khi tiền lương danh nghĩa tăng 5,1%. Thành công này đến từ “cuộc tấn công tiền lương mùa xuân” - một truyền thống đàm phán hàng năm giữa công đoàn lao động và người sử dụng lao động nhằm đạt được mức lương tốt hơn.

Ông Donald Trump sẽ làm gì trong ngày đầu tiên trở lại Phòng Bầu dục?
Thế giới 24h

Ông Donald Trump sẽ làm gì trong ngày đầu tiên trở lại Phòng Bầu dục?

Trước thềm lễ nhậm chức vào đêm 20.1 (giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố, ngay sau khi bước vào Phòng Bầu dục, ông sẽ ký hàng chục sắc lệnh hành pháp để thực hiện lời hứa khi tranh cử. Vậy những lời hứa đó là gì, và liệu những nội dung nào sẽ được thực thi ngay lập tức?