Bước đi đầu tiên vì tương lai?

Diệu Minh 25/02/2011 07:45

Kết thúc một tuần đàm phán liên tục ở Oslo (Na Uy), Chính phủ Philippines và Mặt trận Dân chủ Quốc gia (NDF) hạ quyết tâm đạt được hòa ước trong vòng 18 tháng, mở đường cho việc giải quyết một trong những vấn đề chính trị và an ninh dai dẳng ở nước này. Kết quả này được xem là bước ngoặt trong việc chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài hơn 4 thập kỷ.

Đại diện của chính phủ Philippines, ông Alexander A. Padilla (trái) và đại diện của NDF, ông Luis G. Jalandoni, bắt tay chào nhau trước sự chứng kiến của “đạo diễn chính trị” Espen Barth Eide của Bộ Ngoại giao Na Uy trước khi các cuộc đàm phán hòa bình được khôi phục ở Asker, phía nam Oslo, Na Uy.
Đại diện của chính phủ Philippines, ông Alexander A. Padilla (trái) và đại diện của NDF, ông Luis G. Jalandoni, bắt tay chào nhau trước sự chứng kiến của “đạo diễn chính trị” Espen Barth Eide của Bộ Ngoại giao Na Uy trước khi các cuộc đàm phán hòa bình được khôi phục ở Asker, phía nam Oslo, Na Uy.

Trong tuyên bố chung ngày 23.2 tại Oslo, hai bên đã cam kết cố gắng hoàn tất các cuộc đàm phán trong vòng 18 tháng và kết thúc bằng việc ký một “Thỏa thuận hòa bình toàn diện” nhằm chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai bên. Trước khi diễn ra đàm phán, các nhà phân tích cho rằng ít cơ hội cho thấy có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột vũ trang với các lực lượng ly khai ở Philippines. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Philippines Alex Padilla cho biết hai bên đã vượt qua được bước đi đầu tiên dù cuộc thương lượng gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, hai bên sẽ tiến hành các cuộc gặp nhóm làm việc ở cấp thấp hơn trong những tháng tới để thảo luận các vấn đề bức xúc hiện nay như cải cách kinh tế và xã hội.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Chính phủ Philippines và NDF kể từ năm 2004. Một trong những nguyên nhân chính khiến các vòng đàm phán hòa bình 6 năm trước đổ vỡ là do NDF bị Mỹ và Liên minh châu âu (EU) liệt vào “danh sách khủng bố”. Kết quả tích cực của cuộc đàm phán mới nhất cho thấy một dấu hiệu tốt, bởi nó sẽ mở ra cánh cửa để giải quyết các vấn đề tồn đọng sau 5 đời Tổng thống trước của Philippines. Cả hai bên đều bày tỏ lạc quan rằng hòa bình cuối cùng có thể đạt được dưới thời chính quyền Benigno Aquino III. Tuy nhiên, triển vọng vẫn chưa chắc chắn.

Tuyên bố Oslo chỉ định ra thời hạn chứ chưa nhất trí được về lộ trình cụ thể cũng như chưa định hình được khuôn khổ giải pháp chấm dứt xung đột. Nếu xét đến những trắc trở trong quá trình hòa đàm lâu nay, kết quả sau 7 ngày đàm phán marathon ở Na Uy vẫn có thể coi là tích cực. Ít ra, hai bên cũng đã ngồi lại đối thoại sau thời gian dài ngưng trệ (từ năm 2004 đến nay). Việc xác định thời hạn cho thỏa thuận cũng cho thấy quyết tâm giải quyết xung đột bằng thương lượng hòa bình. Nhưng chỉ vậy thì chưa đủ. Điều mà dư luận ở Philippines mong đợi là hai phía cần thể hiện sự tin cậy lẫn nhau để đi vào đàm phán thực chất.

Một số nhà phân tích địa phương dự đoán rất có thể Chính phủ Philippines và NDF đạt được một thỏa thuận cuối cùng về giải quyết vấn đề thông qua thương lượng (dù khó khăn), vì nó phù hợp với mong muốn của đa số người dân Philippines vốn đã mệt mỏi với cuộc chiến rình rập giữa quân chính phủ và phiến quân. Thống kê cho thấy khoảng 40.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và NDF kéo dài suốt 42 năm qua, một trong những cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất ở châu Á. Xung đột khiến các nhà đầu tư tiềm năng sợ hãi bỏ chạy, làm cho nhiều khu vực kém phát triển và đẩy dân chúng vào cảnh nghèo đói.

Về phía chính quyền Aquino, việc nối lại hòa đàm là điểm “mấu chốt” vì nó chính thức phá vỡ bế tắc và là “cơ hội đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột làm chậm sự phát triển của đất nước trong suốt thời gian dài”, và coi đó là một biểu hiện của sự khác biệt chính sách so với thời trước. Từ khi Tổng thống Benigno Aquino III lên nắm quyền hồi tháng 7.2010, ông đã nhiều lần gửi thông điệp thiện chí và chân thành, đồng thời bày tỏ quyết tâm giành được hòa bình trong nhiệm kỳ 6 năm của ông. Ngoài ra, vai trò trung gian hòa giải của Na Uy cũng được chấp nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ở phía trước. Mặc dù chính quyền ở Manilla và NDF đã phác thảo khuôn khổ cho vòng đàm phán hòa bình trong 18 tháng tới và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề, nhưng để đồng thuận về những nội dung cốt lõi nhất của hòa ước (như cải cách chính trị, kinh tế và xã hội) chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều trở ngại tiềm ẩn và những bất đồng vẫn còn ở phía trước. Một số người thậm chí nghi ngờ liệu hai bên có thể hoàn tất các cuộc thương lượng theo kế hoạch.

Chỉ khi hai bên cho thấy thiện chí và tôn trọng lẫn nhau mới có thể hy vọng đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột, vãn hồi an ninh và hòa bình cũng như có được sự hòa giải dân tộc trong vòng 18 tháng . Từ đó, hướng tới mục tiêu lâu dài là hoàn tất trong thời hạn 3 năm một thỏa thuận về cải cách chính trị, điều mang tính quyết định nhất. Muốn vậy, trong thời gian tới, hai bên ở Philippines cần vượt qua bước thăm dò để tiến tới bước khai thông đột phá.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bước đi đầu tiên vì tương lai?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO