Bức tường và quả trứng

Haruki Murakami 02/03/2009 00:00

Tiểu thuyết gia hàng đầu của Nhật Bản, Haruki Murakami, ngày 15.2.2009 đã nhận giải thưởng văn học Jerusalem Prize, giải văn học cao nhất của Israel cho tác gia quốc tế "có khả năng xuất chúng trong việc biểu hiện tự do của con người và xã hội" (trước ông, Arthur Miller, Bertrand Russell, J. M. Coetzee, V. S. Naipaul, Milan Kundera,... cũng đã được giải thưởng này). Mặc dù có nhiều dư luận yêu cầu ông từ chối, Haruki Murakami đã quyết định "nói lên ý kiến của mình thay vì im lặng". NĐBND xin giới thiệu bài diễn văn nhận giải thưởng của Haruki Murakami.

Bức tường và quả trứng ảnh 1

Kính chào quý vị. Hôm nay, tôi đến Jerusalem với tư cách tiểu thuyết gia, nghĩa là với tư thế của một chuyên gia bịa chuyện. Tất nhiên, chẳng phải chỉ có tiểu thuyết gia bịa chuyện mà thôi. Chính trị gia cũng bịa chuyện, là điều ai cũng biết. Những nhà ngoại giao và những tướng lãnh tùy lúc mà bịa chuyện trong giới của họ, không khác gì những người bán xe cũ, hàng thịt, hay thợ xây cất. Tuy nhiên, chuyện bịa của tiểu thuyết gia thì khác với những giới khác ở chỗ chẳng ai phê phán tiểu thuyết gia là vô đạo đức khi bịa chuyện cả. Mà thực tế, tiểu thuyết gia càng khéo léo bịa đặt, những chuyện bịa càng lớn và tinh xảo, thì lại càng được quần chúng và các nhà phê bình khen ngợi. Tại sao lại như thế?

Xin trả lời thế này: nhờ diễn tả khéo léo những chuyện bịa đặt, nghĩa là bịa ra những hư cấu được biểu hiện như thật, tiểu thuyết gia có thể đem sự thật ra một vị trí mới và soi rọi ánh sáng mới vào đấy. Trong hầu hết các trường hợp, rõ ràng là nắm được sự thật và diễn tả sự thật cho chính xác là bất khả. Vì vậy mà chúng ta gắng nhử sự thật ra khỏi hang ổ ẩn náu, để nắm lấy đuôi mà lôi sự thật ra một vị trí hư cấu, và thay thế bằng hình thức tiểu thuyết. Tuy nhiên, để làm được như thế, trước tiên, chúng ta phải minh định sự thật nằm đâu, ngay trong chúng ta. Đó là điều kiện trọng yếu để có thể bịa đặt những chuyện bịa được tán thưởng.

Tuy nhiên, hôm nay thì tôi không có ý định bịa chuyện. Tôi xin gắng thành thật hết mình. Mỗi năm chỉ có vài ngày tôi không bận bịu bịa chuyện, hôm nay đúng vào một trong số vài ngày đó. Vậy thì, xin cho tôi nói thật với quý vị. Ở Nhật Bản, có khá nhiều người khuyên tôi đừng đến đây để nhận giải thưởng Jerusalem. Có người còn dọa là họ sẽ phát động tẩy chay sách của tôi nếu tôi đến nhận giải nữa kia. Tất nhiên, lý do là cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra ở Gaza. Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng trên một nghìn người đã chết trong thành phố Gaza bị bao vây, trong số đó có nhiều thường dân không có vũ khí, cả trẻ em và người già lão.

Sau khi nhận tin được giải thưởng này, đã nhiều lần tôi tự hỏi: liệu đến Israel trong tình huống như thế này và nhận giải thưởng có phải là điều nên làm? Liệu việc này có tạo ấn tượng là tôi ủng hộ một bên của cuộc tranh chấp, chấp nhận chính sách của một quốc gia đã quyết định tung ra sức mạnh quân sự áp đảo của họ? Mặt khác, tất nhiên, tôi đâu có muốn thấy sách của tôi bị tẩy chay.

Dù sao, cuối cùng, sau khi đã cân nhắc thận trọng, tôi quyết định đến đây. Một lý do trong quyết định đó là vì có quá nhiều người khuyên tôi đừng làm như thế. Có lẽ, giống như những tiểu thuyết gia khác, tôi nghiêng về phía làm ngược hẳn lại điều gì người ta bảo tôi làm. Nếu người ta bảo tôi, nhất là khi họ dọa tôi "Đừng đến đấy", "Đừng làm chuyện ấy", thì tôi lại muốn "đến đấy" và "làm chuyện ấy". Tính tôi như thế, quý vị có thể bảo đó là tính khí của tiểu thuyết gia. Tiểu thuyết gia là một giống người đặc biệt. Họ không thật lòng tin thứ gì họ chưa thấy tận mắt hay sờ tận tay. 

Và đó là lý do tôi đến đây. Tôi chọn đến đây hơn là không đến. Tôi chọn việc nhìn tận mắt hơn là không nhìn. Tôi chọn việc nói lên với quý vị hơn là im lặng.

Xin cho phép tôi đưa lên một thông điệp, có tính cách thật cá nhân. Đó là một điều mà tôi luôn luôn giữ trong trí khi sáng tác tiểu thuyết. Tuy tôi chưa hề nghĩ đến chuyện viết vào một mảnh giấy mà dán lên tường nhà, nhưng điều ấy cũng đã được khắc lên bức tường tâm trí của tôi, như thế này:

"Giữa một bức tường cao kiên cố và một quả trứng đập vào đấy, tôi luôn luôn chọn đứng về phía quả trứng".

Vâng, mặc cho bức tường có lý đến thế nào đi nữa, và mặc cho quả trứng có sai lầm đến đâu đi nữa, tôi vẫn đứng về phía quả trứng. Ai khác sẽ phán định phía nào đúng, phía nào sai. Có lẽ thời gian hay lịch sử sẽ làm việc phán định đó. Chứ nếu có tiểu thuyết gia nào mà đứng về phía bức tường để viết tiểu thuyết, thì cho dù với lý do gì đi nữa, tác phẩm của họ liệu có được chút giá trị gì chăng?

Thế ẩn dụ này có ý nghĩa gì? Trong vài trường hợp, ý nghĩa đó thật đơn giản và rõ ràng. Oanh tạc cơ, xe tăng, phi đạn, bom lân tinh, là bức tường cao ấy. Còn quả trứng kia, chính là những thường dân không võ trang bị cán bẹp, bị thiêu cháy, bị bắn chết. Đó là một ý nghĩa của ẩn dụ này.

Nhưng chẳng phải chỉ có thế. ẩn dụ này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Xin nghĩ như thế này: mỗi một người chúng ta, không nhiều thì ít, là quả trứng ấy. Mỗi chúng ta là một linh hồn có một không hai, không thể thay thế, được bao bọc trong một lớp vỏ dễ vỡ. Điều này đúng với bản thân tôi, và đúng với mỗi người trong quý vị nữa.
Và mỗi một người trong chúng ta, tuy chừng mực có khác nhau, cũng đang đối đầu với bức tường cao và kiên cố ấy. Bức tường ấy có tên. Đó là "Guồng máy". Guồng máy vốn là để bảo vệ chúng ta, nhưng thỉnh thoảng lại tự ý hành động, bắt đầu giết hại chúng ta và bắt chúng ta phải giết hại người khác một cách tàn nhẫn, hữu hiệu và có hệ thống.

Tôi chỉ có một lý do để viết tiểu thuyết, đó là đem phẩm giá của tâm hồn mỗi con người cá thể lên bề mặt mà soi rọi ánh sáng vào đấy. Mục đích của câu chuyện tiểu thuyết là gióng lên tiếng chuông cảnh giác và rọi đèn vào Guồng máy, để phòng ngừa Guồng máy cuốn hút hồn phách của chúng ta vào mạng nhện của nó mà gây tổn thương. Tôi thật lòng tin rằng công việc của tiểu thuyết gia là viết lên những câu chuyện nhằm minh định giá trị cá biệt của mỗi tâm hồn cá nhân, qua những câu chuyện về sự sống và cái chết, về tình yêu, những câu chuyện khiến người ta khóc, khiến người ta run rẩy khiếp sợ, hay cười đến rung người. Vì lý do đó mà tiểu thuyết gia chúng ta tiếp tục không ngừng, ngày này qua ngày khác, bịa đặt ra những chuyện hư cấu một cách chăm chỉ tuyệt đối.

Cha tôi đã mất năm ngoái ở tuổi 90. Ông là một nhà giáo về hưu và là một sư tăng Phật giáo bán thời gian. Thời sinh viên hậu đại học ở Kyoto, cha tôi đã bị trưng binh và gửi sang chiến đấu ở Trung Quốc. Là một đứa trẻ sinh sau Thế chiến thứ hai, tôi quen thấy cha tôi dâng lời cầu nguyện dài dòng và thành khẩn trước bàn thờ Phật nhỏ trong nhà, mỗi buổi sáng trước giờ điểm tâm. Có lần tôi hỏi vì sao ông làm thế, cha tôi bảo là ông cầu nguyện cho những người đã chết trên chiến trường. Ông bảo ông cầu nguyện cho tất cả những người đã chết ấy, cả bạn đồng minh lẫn quân địch. Ngắm lưng cha tôi quỳ trước bàn thờ, tôi hầu như cảm nhận được cái bóng của sự chết lởn vởn quanh người ông.

Cha tôi mất đi, mang theo cả những ký ức, kỷ niệm của ông, mà tôi không bao giờ biết được. Nhưng bóng dáng của sự chết lởn vởn quanh ông vẫn còn lưu lại trong ký ức của tôi. Đó là một trong vài điều mà tôi thừa kế được từ cha tôi, và là một trong những thứ quan trọng nhất.

Tôi chỉ có một điều muốn thưa với quý vị hôm nay. Tất cả chúng ta là người, là những cá thể vượt lên trên mọi thứ quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo, và chúng ta đều là những quả trứng dễ vỡ trực diện với một bức tường kiên cố tên là "Guồng máy". Nhìn cách nào đi nữa cũng thấy chúng ta chẳng có hy vọng thắng được. Bức tường quá cao, quá kiên cố, và quá lạnh lùng. Nếu quả thật chúng ta có chút cơ may nào thắng được,  thì hẳn phải là từ niềm tin của chúng ta vào tính cá biệt tuyệt đối không thể thay thế của linh hồn của chính mình và của mọi người khác, và từ niềm tin của chúng ta vào hơi ấm có được khi linh hồn chúng ta được nối kết với nhau.

Xin suy nghĩ một chút về điều này: mỗi một người trong chúng ta sở hữu một linh hồn có thực và sống động. Guồng máy thì không có. Chúng ta không thể để cho Guồng máy lợi dụng. Chúng ta không thể để cho Guồng máy tự tiện hành động. Guồng máy không tạo ra chúng ta, chính chúng ta mới tạo ra Guồng máy. Đó là trọn vẹn điều tôi muốn thưa với quý vị.

Tôi biết ơn quý vị về giải thưởng Jerusalem. Tôi rất vui mừng vì sách của tôi được đọc ở nhiều nơi trên thế giới. Và tôi muốn tỏ lòng biết ơn của tôi đến độc giả Israel. Các bạn chính là lý do lớn nhất cho tôi có mặt tại đây. Và tôi hy vọng rằng chúng ta chia sẻ được với nhau điều gì đấy thật có ý nghĩa. Và tôi vui mừng có được dịp này để thưa chuyện với quý vị ở đây hôm nay. Chân thành cảm ơn quý vị.

Phạm Vũ Thịnh dịch

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bức tường và quả trứng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO