Bức tranh về người Việt Nam làm khoa học

Ngọc Phương 10/09/2018 07:44

Ở nước ta, vấn đề di sản văn hóa đã được đề cập nhiều nhưng ít ai nghĩ đến di sản của các nhà khoa học. Đây là một khoảng trống lớn trong di sản về lịch sử.

Nhiều người cho rằng, di sản của các nhà khoa học chỉ là những tác phẩm đã xuất bản, đã công bố, do đó, không lưu giữ các bản thảo, sổ ghi chép, văn bản hành chính... Hầu hết các nhà khoa học Việt Nam cũng chưa coi trọng lưu trữ tài liệu cá nhân. Điều kiện khí hậu nóng ẩm của nước ta đang khiến nhiều tài liệu hiện vật, đặc biệt là tài liệu giấy rất dễ bị hư hại. Trong khi đó, các cơ quan lưu trữ chưa thực sự quan tâm đến việc sưu tầm di sản của các nhà khoa học, có trường hợp nhà khoa học tuổi cao, muốn tặng toàn bộ tài liệu của mình cho đơn vị lưu trữ nào thực sự cần đến, và đã nhận được những lời từ chối...

Nhận thức được giá trị của các tài liệu, hiện vật ấy, Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã “chạy đua với thời gian” nhằm kịp thời sưu tầm di sản ký ức và tài liệu – hiện vật của các nhà khoa học, trọng tâm là các nhà khoa học cao tuổi, sức khỏe và trí nhớ ngày một suy giảm. Nếu không kịp thời khai thác những ký ức và thu thập thông tin về lịch sử cuộc đời họ để lưu trữ thì di sản đó sẽ mất đi nhanh chóng. Như vào tháng 5.2015, GS. Trần Văn Khê ở tuổi 95 và phải ngồi xe lăn nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn, các nghiên cứu viên của Trung tâm đã tới ghi hình ông kể về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc của mình, và chỉ một tháng sau, ông đã qua đời...

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm, Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội chiều 9.9, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm cho biết, tính đến tháng 6.2018, Trung tâm đã thiết lập được hơn 1.400 phông lưu trữ nhà khoa học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các chuyên ngành nghiên cứu và sưu tầm đa dạng và từng bước mở rộng, từ khoa học xã hội và nhân văn (văn học, sử học, địa lý, dân tộc học, ngôn ngữ, giáo dục học...) đến khoa học tự nhiên (vật lý, toán học, sinh học, hóa học, y học...) và khoa học kỹ thuật, công nghệ (xây dựng, thủy lợi, điện tử...). Hiện nay, Trung tâm đang bảo quản hơn 700.000 tài liệu, hiện vật, bao gồm nhiều loại: bản thảo, sổ ghi chép, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu, hiện vật khối và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình của nhiều nhà khoa học. Công việc khẩn cấp nghiên cứu và sưu tầm di sản của các nhà khoa học vẫn được tiếp tục thực hiện, không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành trong cả nước, từ đó dần có được bức tranh toàn cảnh người Việt Nam làm khoa học, đóng góp khoa học cho đất nước và nhân loại.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng: Hoạt động của Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học đã góp phần bảo tồn di sản của các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung, với mô hình hoạt động đa chức năng bảo tàng, lưu trữ, thư viện, vốn là xu hướng liên ngành, xã hội hóa hiện nay. Về phần mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cách làm sáng tạo từ mô hình này để có định hướng mới trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa của Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bức tranh về người Việt Nam làm khoa học
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO