Bức tranh và ngôi nhà cổ (Phần ba)
Truyện của Di Li

(Tiếp theo)
Việc tìm kiếm ngôi nhà, theo tôi, khác nào tìm kim đáy bể. Trên khu phố cổ người xe nhằng nhịt, cho dù có sẵn số nhà tìm cũng còn khó, huống hồ... Ông bạn già hiến kế “Mình sẽ chia nhau đi tìm theo hai hướng. Và đi hết chỗ nào, sẽ đánh dấu vào sơ đồ chỗ đó”. Tôi tắt điện thoại, xin nghỉ phép ba ngày và bắt đầu cuộc hành trình. Chúng tôi phải đi bộ như những người hành khất, mắt dán vào từng ngôi nhà, từng lan can, từng ô cửa sổ. Những dãy nhà cũ kỹ đan vào nhau như mắc cửi, ngày đêm ồn ã tiếng người đổ về từ khắp thành phố, những con phố sầm uất mà tôi vẫn lái xe qua hàng ngày giờ đầy vẻ độc ác và bí hiểm. Đi giữa những cơn gió đông cắt da cắt thịt mà mồ hôi tôi ướt đầm áo, và đôi chân đã lâu không hoạt động bắt đầu rời ra như chân giả. Tuy nhiên, đôi mắt tuyệt vọng của cô gái luôn ẩn đâu đó sau những ô cửa sổ kia, khiến có một lúc nào đó chợt nản, tôi chỉ kịp ghé vào một quán cóc uống chén trà nóng rồi lại đi tiếp. Sang ngày thứ hai, mọi nỗ lực của chúng tôi dường như không được đền đáp. Những vòng bút bi đỏ trên bản đồ cứ thu hẹp dần, nhưng ngôi nhà có chóp mái và cây si già trước cửa vẫn không xuất hiện. Đúng vào lúc tôi định bỏ cuộc, đang ngồi xoa hai bắp chân trong quán nước vỉa hè nằm sát một ngã tư đông đúc, thì ánh mắt tình cờ chạm phải một cái gì đó. Đấy là khoảnh khắc tôi ngửa cổ lên trời theo thói quen. Dưới ráng chiều đông tím sẫm, một chóp mái nhọn hoắt vươn lên trên những nếp nhà cổ thấp lè tè. Mái nhà này hết sức kỳ cục vì xây nhọn hoắt theo kiểu kiến trúc Gô tích nhưng lại lợp ngói âm dương. Trong ánh chiều tà, nó vươn lên đầy kiêu hãnh và độc địa. Tôi vội vàng tiến về phía trước. Trước cửa, gốc si già um tùm lá, che khuất gần hết lối ra vào. Khác với tất cả những con đường ồn ào trong khu phố cổ, quãng phố này yên tĩnh đến độ tôi có thể nghe rõ tiếng bước chân mình nện trên vỉa hè. Ngoài một am thờ cổ kính mé tay mặt, một kho chứa gạo cũ giờ bỏ hoang, vài ngôi nhà cửa gỗ nâu đóng im ỉm, chỉ duy nhất một cửa hàng tạp hóa bán vài thứ lặt vặt đối diện với ngôi nhà có chóp mái, mà tôi đồ rằng, tay họa sỹ đã từng ngồi chính chỗ này để phác thảo nên bức tranh bí ẩn. Tôi gọi điện cho ông bạn già “Em đã tìm thấy nó rồi”.
Như mọi kiến trúc cổ ở khu này, toà nhà cũng có một lối đi chung. Nhìn ngoài, là một chiếc cửa thấp tè như thể đằng sau nó chỉ có một căn phòng nhỏ hẹp. Kỳ thực phía trong là cả một khu dân cư đông đúc chen chúc trong những “hộp diêm” bé tí. Chúng tôi bước vào trong lối đi nhỏ tối tăm mà hai người đi ngược chiều phải tránh nhau. Tôi biết chắc đây là khu phố mà những người Hoa xưa kia từng ở trước khi rút gần hết về bản quán. Mùi ẩm thấp bốc lên từ lối đi. Ngõ sâu hun hút và từ đó tỏa ra vài chục căn hộ nhỏ xíu quanh năm không ánh mặt trời. Chúng tôi vào đến sân trong. Vài người phụ nữ đang thổi cơm và giặt giũ quanh những vũng nước tù đọng từ vài trăm năm nay. Thấy chúng tôi, họ tò mò ngước lên nhìn. Tôi thản nhiên như thể vào nhà người quen và cứ thế đi thẳng. Chúng tôi lại luồn vào trong ngõ, và tức thì nhìn thấy một cầu thang nhỏ phía tay trái. Cái lối đi này còn rất sâu, nhưng tôi cho rằng đây là cầu thang dẫn lên ngôi nhà bí hiểm kia. Vào đến đây, không còn một nguồn sáng nào nữa. Ánh đèn điện văn minh và những âm thanh náo nhiệt ngoài kia đã bỏ rơi chúng tôi. Tôi cảm thấy những bước chân của ông bạn già bắt đầu run rẩy trên từng bậc thang. Cầu thang dốc và xoáy hình trôn ốc. Tôi rút chiếc điện thoại cầm tay thay cho đèn pin. Ánh sáng xanh lét trên màn hình dẫn chúng tôi đến một cánh cửa gỗ nâu kín bưng. Thì ra trên này có duy nhất một căn hộ. Trên tường, một quẻ bát quái bao quanh lấy vòng tròn âm dương. Có lẽ đó là thứ mà cô gái trong bức tranh đã nhắc tới. Không có chuông, nên chúng tôi gõ cửa. Rất lâu sau, đến độ tôi đã tưởng rằng ngôi nhà không có người ở, tiếng khóa cửa bên trong bắt đầu kêu lạch xạch và cái bản lề cũ kỹ hàng thế kỷ rít lên. Một người đàn ông nhỏ bé xuất hiện. Ông ta quãng ngoài 40, da mặt trắng xanh hệt cô gái kia. Nhìn thấy chúng tôi, ông mỉm cười thân thiện, khuôn miệng tươi tỉnh dễ mến. Nhưng vì chủ nhân ngôi nhà chỉ mở cửa hé một khoảng đủ để lách người ra nên tôi không tài nào quan sát được bên trong ngôi nhà cũng như đôi mắt đen qua ánh sáng sấp bóng. Người đàn ông này tỏ vẻ ngạc nhiên, ý hỏi chúng tôi muốn gì. Tôi nhanh trí “Tôi đọc trên báo thấy ở địa chỉ này có nhà muốn bán”. Ông ta càng ngạc nhiên hơn, nhưng vẫn lịch sự “Chắc các anh nhầm địa chỉ rồi”. Tôi giả vờ xin lỗi và rút lui. Lúc vượt qua khoảng sân trong, tôi vô tình tuột tay đánh rơi chiếc điện thoại, và sau khi quay người lại để nhặt, tôi giật mình khi thấy một người đang theo dõi chúng tôi từ tầng áp mái. Lần này ánh mắt tôi chạm phải đôi mắt của ông ta, nụ cười dễ mến đã biến mất, bây giờ là của con thú đang rình mồi, cảnh giác và nham hiểm. Còn đôi mắt, nó lạnh lẽo và sắc nhọn, đang bắn ra những tia nhìn chết chóc.
Hôm sau, chúng tôi có mặt dưới gốc si già từ sáng sớm và tiến thẳng vào sân trong. Lần này, chỉ có một chị mặc bộ đồ vải hoa chừng ngoài 40 tuổi, mái tóc lưa thưa búi ngược ra sau gáy đang giặt giũ dưới vòi nước. Tôi bắt chuyện “Chị sống ở đây lâu chưa?”. Chị ta dừng tay, cười toét miệng, xưng em với tôi “Em chỉ là người giúp việc thôi, nhưng cũng đã ở đây được 20 năm rồi. Anh định hỏi ai?” – “Tôi muốn mua lại cái nhà có tầng áp mái kia”, tôi liếc nhìn ô cửa sổ nhỏ xíu giờ đã đóng im ỉm. Chị giúp việc có vẻ thích trò chuyện, đứng hẳn dậy “Anh mua nhà của lão ấy làm gì. Lão không bán đâu. Có khối người muốn mua cả khu nhà này để xây khách sạn. Đàm phán xong xuôi hết rồi mà chỉ còn ngắc lại mỗi nhà lão là không mua được”. Tôi tỏ vẻ tiếc rẻ “Thế ông này sống với ai chị nhỉ?” - “Một mình. Khách khứa còn chẳng có thì ở với ai được. Lần nào em chào lão, lão cũng đuỗn mặt ra mà đi qua như đeo máy điếc ấy. Ai gặp hạn mà ở với lão”. Tôi nhấn thêm “Nhưng chắc trước đây ông ta phải ở cùng ai đó chứ” - “Từ lúc em đến đây làm đã nhìn thấy lão ở đó rồi, và sống một mình suốt cho đến bây giờ”. Tôi gạn hỏi “Hình như trước có một cô gái trẻ, tóc rất dài cũng ở đây”. Chị kia ngúc ngoắc đầu như bất mãn vì thấy tôi chưa tin “Đã bảo lão ở một mình mà, ở đây có ai mà em không biết chứ”, nói đoạn lại cúi xuống đống đồ đang giặt dở. Ông bạn già của tôi giờ mới lên tiếng “Tay này làm nghề gì cô có biết không?” – “Lão chẳng làm gì cả. Hình như lão có một cái nhà nữa trên phố đang cho thuê. Hàng tháng cứ lấy tiền đó mà ăn. Lúc nào cũng ở dúi trong nhà ấy. Cả đời chưa thấy mở miệng bao giờ”.
Chúng tôi lại leo lên những bậc thang xoáy sâu hun hút, nhưng lần này còn có thêm cánh cửa sắt kéo bên ngoài chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà đi vắng. Tôi ngắm bức tường kín bưng, ô cửa hai lần khóa và chiếc gương chiếu yêu gắn phía trên, lòng đầy nghi hoặc. Những gì phía sau kia đầy bí ẩn. Tôi như đang đứng trước một miệng hang có từ thời tiền sử, nửa muốn khám phá nửa hãi hùng khi nghĩ đến những điều ghê rợn sắp phải đối mặt. Chúng tôi lại quay trở ra, rồi theo đúng kế hoạch, đặt bộ cờ tướng lên vỉa hè và chúi đầu vào đó hệt những gã vô công rồi nghề. Tôi đi pháo đầu “Làm thế nào bây giờ?’. Ông bạn tôi lên mã “Chờ nó về rồi mình xông vào. Đành liều một phen”. Tôi đẩy tốt “Nhỡ không phát hiện ra được điều gì thì sao?” Ông bạn già nhìn thẳng vào mặt tôi, cương quyết “Ta phải lọt vào nhà trước 12 giờ đêm. Mày không nhớ hôm nay là hạn cuối cùng của...”. Lão im bặt. Chúng tôi đang ngồi cạnh cửa hàng tạp hóa, chính là vị trí của tay họa sỹ nọ. Khung cửa sổ trên tầng áp mái nhìn ngoài có vẻ vô hại, nhưng chất chứa đầy những u ám. Chúng tôi chơi hết ván cờ nọ đến ván cờ kia, nhưng tay chủ nhà bí hiểm vẫn chưa quay trở về. Bóng tối bắt đầu đổ sụp trước tiên lên chóp mái rồi lần xuống những tán si già. Các ngôi nhà xung quanh lục tục đóng kín cửa để tránh những cơn gió giữa mùa đông. Cửa hàng tạp hóa cũng đã sập lại miếng gỗ ghép cuối cùng (kiểu cửa của những ngôi nhà cổ thế kỷ 19), chỉ còn lại vài ánh đèn vàng vọt hắt qua khe gỗ. Đoạn đường này, như thể về hùa với bóng tối mờ ám, không hề có chút đèn đường nào, cho dù những cột đèn cứ đứng sừng sững chen ngang cùng vô số tán cây rậm rạp. Chúng tôi không còn lý do gì để chơi cờ nữa. “Làm thế nào bây giờ?”, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Lão bạn già nảy ra một ý kiến, mà chắc chắn cho đến tận sau này, tôi vẫn coi việc kết bạn với lão là vô cùng đúng đắn “Tao quen một thằng làm thợ khóa”. Tôi thất kinh “Thứ nhất là mình mắc tội đột nhập trái phép. Thứ hai, liệu thằng thợ khóa kia có đồng ý...” – “Tao chỉ cần bảo đây là nhà mới và chìa khóa bị rơi đâu mất. Mà mày có cách nào hơn không? Hay ta đi về, và vứt béng cái tranh kia đi. Thế là xong”. Hình ảnh khuôn mặt tuyệt vọng đẫm nước mắt và chiếc áo sơ mi dính đầy máu lúc này không còn làm tôi sợ hãi nữa, trái lại khiến tôi trào lên một niềm thương cảm và ý nghĩ muốn khám phá điều bí mật kinh hoàng trong ngôi nhà kia. “Rồi, ta đi gọi thằng thợ khoá”.
(Số sau đăng hết)