"Broker" - Nhỏ bé kiểu Koreeda

Bảo Khánh 26/06/2022 06:25

Đó là một bộ phim mà khi xem xong, ta rời khỏi rạp chiếu với sự ấm áp dịu dàng, đủ để mình biết trân trọng những khoảnh khắc nhỏ bé thiêng liêng giữa cuộc đời này.

"Broker" có hay và đáng xem không? Có thể trả lời ngay là bộ phim hay, và tất nhiên đáng xem tại rạp. Nhưng bộ phim nhận được tới 12 phút vỗ tay sau buổi chiếu đầu tiên và nhận 2 giải thưởng khá lớn tại LHP Cannes năm nay (Nam diễn viên xuất sắc nhất cho Song Kang-ho và giải Phim hay nhất của Ecumenical Jury, một hiệp hội các nhà phê bình độc lập), với tôi, lại không hẳn nằm trong nhóm phim xuất sắc nhất của đạo diễn người Nhật Hirokazu Koreeda. 

Có lẽ, vì điện ảnh của ông mang nhiều tính âm, trong khi bối cảnh và các diễn viên Hàn Quốc thì mang quá nhiều tính dương. Cái không khí chậm rãi, thâm trầm và nặng về suy tưởng của Koreeda, cái thứ điện ảnh triệt tiêu mọi kịch tính của ông khi đặt vào bối cảnh Hàn Quốc và do dàn diễn viên ngôi sao của Hàn Quốc, tự nhiên gây cảm giác bị lệch tông một chút và phần nào đó, cũng hơi thiếu sự thuyết phục và thiếu sự tin cậy.

Dù vậy, dấu ấn, phong vị và tài năng kể chuyện của ông vẫn dễ dàng nhìn thấy và từ từ len lỏi vào cảm xúc của ta. Cái giỏi của Koreeda, là luôn làm bừng sáng những chi tiết nhỏ bé nhất. 

Koreeda là một trong vài đạo diễn lớn nhất của điện ảnh Nhật Bản đương đại, người có công vực dậy nền điện ảnh từng khiến khán giả thế giới phải ngả mũ với những tên tuổi vĩ đại trong quá khứ như Ozu, Kurosawa, Mizoguchi hay Imamura... 

Gần 30 năm qua, Koreeda cứ cần mẫn làm phim đều đặn, gần như năm nào cũng có phim mới, và chưa bao giờ làm phim dở. Ông được kính trọng số 1 tại Nhật Bản và cũng được giới phê bình điện ảnh quốc tế công nhận như một trong những đạo diễn quan trọng nhất của điện ảnh thế giới trong hơn 2 thập niên qua. 

Trong số khoảng chục phim của Koreeda mà tôi xem, những bộ phim xuất sắc nhất, lần lượt là Still Walking (2008), Nobody Knows (2004), Like Father Like Son (2013) và Shoplifters (2018). Bộ phim cuối trong danh sách vàng nói trên, từng thắng giải Cành cọ vàng vào năm 2018, cũng là bộ phim Nhật giành giải thưởng cao nhất tại Cannes sau hơn 20 năm. Ông cũng là người mang lại 2 kỷ lục cho 2 diễn viên châu Á thắng giải tại Cannes. Năm 2004, Yuya Yagira trở thành nam diễn viên người Nhật đầu tiên, đồng thời là nam diễn viên trẻ nhất trong lịch sử từng thắng giải Nam diễn viên xuất sắc tại Cannes, lúc cậu bé mới 14 tuổi. Và năm 2022 này, Song Kang-ho trở thành nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên thắng giải. 

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Về tên tuổi quốc tế, tất nhiên Koreeda không thua kém bất cứ một tài năng lớn nào của điện ảnh thế giới đương đại ngày nay, kể cả những đồng nghiệp người Hàn có vẻ chiếm tâm điểm nhiều hơn sau này như Bong Joon-ho, Park Chan-wook hay Lee Chang-dong. Đơn giản, như đã nói, vì ông là đạo diễn lớn của những câu chuyện nhỏ. Là bậc thầy của những khoảng lặng nội tâm. Là tác giả luôn hướng đến những giá trị của tình thân gia đình, cho dù không cùng huyết thống đi nữa. 

Khác với những đồng nghiệp người Hàn luôn gây sốc và "thao túng" khán giả bằng những cú "phanh gấp" gây choáng, những màn bạo lực bột phát, hay đi sâu vào sự tăm tối của lòng người; phim của Koreeda nhỏ nhẹ, điềm tĩnh nhưng lại cứa vào ta bằng những chi tiết nhói lòng. Phim của Koreeda cho dù mô tả những nhân vật vi phạm pháp luật, phạm tội, trộm cắp, hay giết người... đi nữa, ta vẫn không thấy họ xấu. Và ông luôn tìm ra cách để lý giải, để biện hộ cho bi kịch, cho những tội lỗi mà họ lỡ nhúng chàm. Không phải ngẫu nhiên mà giới phê bình gọi ông là hậu duệ và người kế thừa di sản của Ozu - bậc thiền sư của điện ảnh Nhật Bản. 

Một trong những dấu hiệu để nhận biết điều đó của Koreeda luôn bám sát thể loại "shomin-geki" mang tính đặc trưng trong điện ảnh Nhật Bản mà Ozu là bậc đại sư. Thể loại này hướng tới việc tìm kiếm những khoảnh khắc nhỏ - nhưng có ý nghĩa - thay vì chú trọng vào sự căng thẳng và xung đột kịch tính trong kể chuyện để thu hút khán giả đại chúng. 

4 bộ phim xuất sắc nhất mà tôi kể ở trên, và phần nào đó ở bộ phim mới nhất là "Broker", ta thấy rất rõ là Koreeda tuân thủ phong cách kể chuyện kiểu "shomin-geki" như thế nào. 

Trong "Still Walking", ông kể câu chuyện về một gia đình ám ảnh với một sự mất mát quá lớn trong quá khứ. Và ngày giỗ đứa con trai, ngày sum họp gia đình, cũng là nơi nỗi đau này được cào xới trở lại, nên vết thương đó mãi không lành. Khoảnh khắc nhói lòng được ông thể hiện qua một chi tiết đắt giá: đứa con trai cả của gia đình nọ, người chết đuối 12 năm trước khi cứu sống một đứa bé hàng xóm, là một người con giỏi giang và niềm hy vọng lớn của cả gia đình. Trong khi thằng bé được cứu sống ấy, giờ đây trở thành một thằng thanh niên béo, lười biếng và sống không mục đích. Sự oái oăm đó khiến nỗi đau của gia đình họ càng thêm tan nát. 

Làm sao để thiết lập không khí buồn thảm, phiền muộn và cả những mâu thuẫn ngấm ngầm của một gia đình? Hãy tập trung vào cái bàn ăn tối của họ. Và Koreeda, có lẽ là người kể chuyện điện ảnh xoay quanh một cái bàn ăn tối của gia đình sâu sắc và cảm động nhất mà tôi từng biết. Bộ phim đó, mãi mãi ở lại trong lòng tôi là vì vậy. 

"Nobody Knows" và "Like Father Like Son" làm nước mắt tôi chảy dài vì những khoảnh khắc nhói lòng khác, phần lớn cũng đều tập trung vào sự mất mát, vào những oái oăm, tréo ngoe của tình thế con người - mà ở đó - những đứa trẻ con - lại là những nhân vật phải gánh chịu nỗi đau nhiều nhất. Thêm một điều nữa, Koreeda là một trong vài đạo diễn giỏi nhất khi làm việc với diễn viên trẻ con. Hầu như phim nào của ông cũng có nhân vật trẻ con, và chúng diễn như không, như từ cuộc sống bước vào phim, với cả sự hồn nhiên và cả tổn thương của chúng, đều từ sự vô tình và vô tâm của người lớn mà ra. 

 "Shoplifters" - bộ phim đưa Koreeda lên đỉnh cao danh vọng với giải Cành cọ vàng và cũng là bộ phim thành công nhất về mặt thương mại của ông (thu tới 77 triệu USD, chắc chỉ đứng sau Parasite trong số những phim thắng giải Cành cọ vàng thành công nhất trong hơn chục năm trở lại đây). Đó là bộ phim mà Koreeda tiếp tục khai triển những đề tài kiểu tệ nạn xã hội, được khởi phát từ "Nobody Knows", "Like Father Like Son" và tiếp tục mới đây với "Broker".

4 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi phải tìm cách sinh tồn ngay giữa Tokyo náo nhiệt mà không ai quan tâm, không ai hay biết, thậm chí ngay cả khi một đứa trẻ qua đời (Nobody Knows). Hai em bé sơ sinh bị trao nhầm, gây ra bao tình thế oái oăm và sự tổn thương khó chữa lành khi chúng đến tuổi đi học và tình cờ bị phát hiện khi xét nghiệm ADN (Like Father Like Son). Một gia đình "rổ rá cạp lại" đạo tặc chuyên ăn cắp vặt ở các siêu thị nhưng lại ra tay bảo bọc và thương yêu một bé gái bị bỏ rơi (Shoplifters). Và mới nhất, lại thêm một "gia đình" rạch giời rơi xuống nữa, trên hành trình đi bán một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi (Broker). 

Qua 4 bộ phim này, Koreeda cũng đặt ra một câu hỏi mà tôi nghĩ xã hội hiện đại ngày nay phải trả lời: gia đình, có nhất thiết phải cùng huyết thống không hay chỉ là những người biết yêu thương, thấu hiểu và bảo vệ lẫn nhau? Ozu đã từng có một kiệt tác mọi thời Tokyo Story khiến ta phải bàng hoàng thức tỉnh và Koreeda là người tiếp nối, với một vệt phim nữa - để cho thấy những cái nhìn mang tính thức tỉnh và đầy cảm động khác về câu hỏi nhân sinh này. 

 Điều đặc biệt là những câu chuyện này xảy ra ngay ở những đô thị lớn như Tokyo, Osaka hay mới đây nhất là Seoul. Koreeda tìm đến những phận người nhỏ bé, những kẻ bên lề, bị xã hội rũ bỏ, lãng quên để cất lên câu hỏi tu từ: "Ai biết cho chăng?" - như nhan đề một bộ phim của ông - Nobody Knows? 

 "Broker", như đã nói ở đầu bài, với tôi vẫn là một bộ phim tốt của Koreeda, một tên tuổi lớn luôn làm chủ được kỹ thuật kể chuyện và cảm xúc, nhưng nó có vẻ hơi lệch tông khi bối cảnh của câu chuyện diễn ra ở Hàn Quốc và diễn viên người Hàn. Vì vậy mà nó hơi thiếu những khoảng lặng để chiêm nghiệm nhân sinh thường thấy trong những bộ phim giàu âm tính của Koreeda trước đây. 

Nhưng nó vẫn là một bộ phim mà khi xem xong, ta rời khỏi rạp chiếu với sự ấm áp dịu dàng, đủ để mình biết trân trọng những khoảnh khắc nhỏ bé thiêng liêng giữa cuộc đời này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        "Broker" - Nhỏ bé kiểu Koreeda
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO