Thế giới 24h

BRICS định hình vai trò trong trật tự toàn cầu mới

Châu Anh 05/07/2025 07:13

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 7/7 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Với chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam bán cầu nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn”, hội nghị năm nay không chỉ thể hiện quyết tâm định hình vai trò của các nền kinh tế đang phát triển trong hệ thống toàn cầu, mà còn là phép thử cho năng lực đoàn kết và điều phối hành động trong nội khối.

Mở rộng và kỳ vọng

BRICS khởi đầu từ nhóm 5 quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã bước vào giai đoạn phát triển mới sau làn sóng mở rộng đầu tiên vào năm 2024. Sự gia nhập của Ai Cập, Iran, Ethiopia, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã nâng tổng số thành viên lên 10, mở rộng đáng kể phạm vi địa lý, sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng chính trị của khối.

z6771261277434_9cd2b57cd7db8f5b1f80e80e81f83014.jpg
Tổng thống Brazil Lula da Silva phát biểu tại cuộc họp BRICS ở Brasília vào tháng 2/2025. Nguồn: DPA

Hội nghị Thượng đỉnh năm nay dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo 10 quốc gia thành viên chính thức. Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva - với tư cách Chủ tịch luân phiên BRICS năm nay - sẽ chủ trì hội nghị. Phía Nga, Trợ lý Tổng thống Yuri Ushakov xác nhận Tổng thống Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu. Ngoài các nước thành viên, hội nghị năm nay còn mời đại diện cấp cao từ một số quốc gia đối tác, bao gồm Kazakhstan, Cuba, Belarus, Malaysia, Thái Lan, Nigeria, Uganda, Uzbekistan và Việt Nam.

Giới quan sát nhận định, đây là dịp để các nhà lãnh đạo đánh giá lại lộ trình phát triển, tăng cường gắn kết nội bộ và đề ra các sáng kiến cụ thể để định hình một trật tự thế giới công bằng, đa cực hơn.

Sáu trụ cột chiến lược

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro và cuộc khủng hoảng khí hậu diễn biến nghiêm trọng, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để khối BRICS thể hiện vai trò chủ động, đóng góp vào việc xây dựng một cấu trúc toàn cầu công bằng, bao trùm và bền vững hơn. Theo đó, nước chủ nhà Brazil đã phác thảo một chương trình nghị sự toàn diện tập trung vào sáu trụ cột chiến lược.

Thứ nhất, hợp tác toàn cầu về y tế công, bao gồm thúc đẩy tiếp cận công bằng với thuốc, vaccine...
Thứ hai, thúc đẩy thương mại và đầu tư, trong đó nổi bật là mục tiêu xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên quốc gia độc lập, qua đó mở rộng giao dịch bằng đồng nội tệ, tăng cường tính tự chủ tài chính cho các nước thành viên; thành lập Quỹ Bảo đảm BRICS do Ngân hàng Phát triển mới (NDB) bảo trợ nhằm kích hoạt đầu tư tư nhân.

Thứ ba, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, với các sáng kiến về quỹ khí hậu BRICS, hợp tác môi trường như chống sa mạc hoá, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nước và rác thải nhựa.

Thứ tư, thúc đẩy công nghệ, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược mang tính tương lai, như chuyển đổi năng lượng, công nghệ số, AI, chuỗi cung ứng và đổi mới sáng tạo. Đây là những lĩnh vực then chốt không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn để bảo đảm năng lực cạnh tranh và phát triển dài hạn của các nền kinh tế mới nổi. BRICS kỳ vọng có thể cùng xây dựng những nền tảng hợp tác cụ thể, ví dụ như mạng lưới nghiên cứu chung hoặc trung tâm đổi mới khu vực, để cùng chia sẻ công nghệ, dữ liệu và giải pháp sáng tạo.

Thứ năm, kiến trúc hòa bình và an ninh đa phương, phản ánh quyết tâm của BRICS trong việc hợp tác giải quyết khủng hoảng toàn cầu, từ Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương đến các vụ khủng bố như Pahalgam.

Cuối cùng, định hình một cơ chế BRICS+ có cấu trúc rõ ràng và định hướng dài hạn. Việc mở rộng khối sau năm 2024 là bước ngoặt quan trọng, song cũng đặt ra nhu cầu phải xác lập các tiêu chí minh bạch trong việc tiếp nhận thành viên mới.

Tại Rio de Janeiro, các nước được kỳ vọng sẽ đạt đồng thuận về quy trình kết nạp, cơ chế tham vấn và hợp tác nội khối, đồng thời xây dựng chiến lược gắn kết các khu vực trọng điểm như châu Phi, Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin, nhằm tạo ra một mạng lưới đối tác toàn cầu rộng lớn và linh hoạt.

Vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà

Là quốc gia chủ nhà, Brazil trở thành tâm điểm chú ý trong chiến lược ngoại giao toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, Brazil đang tìm cách duy trì một lập trường trung dung giữa hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại giữa hai bên ngày càng gia tăng.

Thách thức lớn nhất đối với Brazil hiện nay là làm sao duy trì quyền tự chủ chiến lược giữa áp lực từ cả Washington và Bắc Kinh đều ngày một gia tăng. Một mặt, sự mở rộng của BRICS khiến nội khối ngày càng có dấu ấn của Trung Quốc và Nga; mặt khác, những kỳ vọng từ phương Tây về một đối trọng dân chủ trong BRICS cũng khiến Brazil khó tránh khỏi những lựa chọn mang tính chính trị.

pic_1739686817_24d52.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 6-7/7 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Shutterstock

Brazil đang được kỳ vọng sẽ phát huy thế mạnh của mình trong việc đóng vai trò “cầu nối” giữa các quốc gia có lợi ích và định hướng phát triển khác biệt. Vị trí chiến lược ở Nam bán cầu cùng chính sách đối ngoại mang tính hòa giải của Brazil được cho là phù hợp để giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cường quốc trong khối, từ đó thúc đẩy đồng thuận trong việc triển khai các sáng kiến mang tính dài hạn.

Thách thức đồng thuận và tính hiệu quả

Giới quan sát nhận định, dù BRICS đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và tăng cường tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi, khối vẫn đối mặt những thách thức đáng kể.

Trước hết là sự khác biệt lớn về địa chính trị, kinh tế và lợi ích chiến lược giữa các thành viên. Những quốc gia có lập trường đối ngoại khác biệt như Trung Quốc, Nga so với Brazil hay Ấn Độ, có thể cản trở tiến trình đồng thuận. Thêm vào đó, việc mở rộng khối cũng đặt ra bài toán về khả năng phối hợp hiệu quả và năng lực điều hành, khi các thành viên mới như Iran hay Ethiopia mang đến những ưu tiên phát triển không đồng nhất.

Mặt khác, nỗ lực xây dựng các cơ chế tài chính độc lập, như hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ hay quỹ bảo lãnh BRICS dù mang tới nhiều hứa hẹn, nhưng vẫn vấp phải lo ngại về hiệu quả thực tiễn, độ tin cậy và khả năng phối hợp kỹ thuật. Việc thiếu hụt cơ chế thể chế mạnh và bộ máy hành chính thường trực khiến các sáng kiến BRICS khó chuyển hóa thành hành động cụ thể.

Ngoài ra, khả năng thể chế hóa các sáng kiến lớn như chính sách AI, hành động khí hậu hay thương mại nội khối, vẫn phụ thuộc vào mức độ cam kết và năng lực thực thi của từng nước thành viên. Những yếu tố này tạo ra nhiều rào cản khiến BRICS khó trở thành một liên minh đồng bộ, ít nhất trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, BRICS vẫn chưa tạo ra được một bản sắc chung về mô hình phát triển hay tầm nhìn dài hạn. Trong khi một số nước theo đuổi chính sách công nghiệp hóa và kinh tế nhà nước, các nước khác lại ưu tiên thị trường mở và hội nhập khu vực. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng chính sách nhất quán.

Các chuyên gia nhận định, đây là cơ hội lịch sử để đóng góp vào việc thiết lập một trật tự công bằng, đa cực và hiệu quả hơn, nơi tiếng nói của các nước đang phát triển không chỉ được lắng nghe mà còn có khả năng định đoạt chính sách toàn cầu. Song thành công của hội nghị sẽ phụ thuộc vào khả năng của các quốc gia thành viên trong việc gác lại những khác biệt, tập trung vào lợi ích chung và cam kết hành động lâu dài vì một thế giới ổn định và bao trùm hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        BRICS định hình vai trò trong trật tự toàn cầu mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO