Brexit hoãn tới hoãn lui

- Thứ Ba, 22/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Cuối tuần qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã buộc phải viết thư xin trì hoãn Brexit theo yêu cầu của Quốc hội nước này. Việc hoãn tới hoãn lui, nhùng nhằng không thể “ly hôn” đúng hạn đang phản ánh những rạn nứt khó có thể giải quyết ngay trong nội bộ xứ sở sương mù.

Lá thư không chữ ký

Tuần trước, ông Johnson đã đạt thỏa thuận Brexit mới với Liên minh châu Âu (EU), theo đó dự kiến sẽ đưa nước Anh khỏi khối vào ngày 31.10 một cách trật tự. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, thỏa thuận lại bị Quốc hội Anh bác bỏ. Trước tình thế đó, ông Johnson tỏ ý sẵn sàng tiến hành Brexit không thỏa thuận, nhưng Quốc hội cũng không chấp nhận mà yêu cầu hoãn Brexit tới ngày 31.1.2020.
Vì vậy, Thủ tướng Anh đã buộc phải gửi một lá thư xin hoãn Brexit tới EU, nhưng nhất quyết không ký tên. Tháng trước, các nghị sĩ Anh đã thông qua Đạo luật Benn, yêu cầu EU thay đổi thời hạn Anh rời khỏi khối từ ngày 31.10 sang ngày 31.1.2020, nếu đến hạn 31.10 mà hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Ngoài bức thư không ký tên, ông Johnson còn gửi một lá thư khác có chữ ký cho Hội đồng châu Âu (EC) với nội dung phản đối việc hoãn Brexit. Thậm chí, Chính phủ Anh sau đó còn tuyên bố sẽ đưa xứ sở sương mù rời EU vào ngày 31.10, bất chấp lá thư xin hoãn đã được gửi đi.

 Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit trong Nội các Anh Michael Gove khẳng định, “lá thư trên được gửi vì Quốc hội yêu cầu. Nhưng Quốc hội không thể thay đổi suy nghĩ của Thủ tướng, không thể thay đổi chính sách hay quyết tâm của Chính phủ”. Bản thân ông Johnson từ trước tới nay luôn nhấn mạnh, trì hoãn thêm Brexit sẽ chỉ càng gây thiệt hại cho lợi ích của nước Anh và các đối tác trong EU.


Thủ tướng Anh Boris Johnson đang hết sức nỗ lực để Brexit diễn ra đúng hạn

EU rối trí

Về phần mình, EU đang bối rối trước những tín hiệu trái chiều từ London. Chủ tịch EC Donald Tusk cho biết đã nhận được thư từ ông Johnson và sẽ bắt đầu tham vấn các nhà lãnh đạo EU để xác định giải quyết vấn đề như thế nào. Rất có thể, một Hội nghị Thượng đỉnh EU khẩn cấp sẽ được triệu tập.

Theo nhiều nhà quan sát, khó có chuyện EU từ chối đề xuất hoãn Brexit của Anh, vì nếu không nước Anh sẽ buộc phải ra đi không thỏa thuận và điều này không có lợi cho cả EU. Thay vào đó, liên minh lá cờ xanh sẽ tìm cách trì hoãn thay vì vội vàng ra quyết định nhằm quan sát các diễn biến tiếp theo ở London. Mới đây, tờ Times of London đã trích dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết, EU sẵn sàng kéo dài thời gian Brexit thêm 3 tháng nữa nếu như Quốc hội Anh không thể thông qua thỏa thuận với khối. Ngược lại, nếu thỏa thuận được các nghị sỹ xứ sở sương mù phê chuẩn, Vương quốc Anh có thể rời đi vào ngày 1 hoặc 15 tháng 11, tháng 12 hoặc tháng 1. Còn trong trường hợp ông Johnson phải kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý lần 2 hoặc lại vấp phải nhiều trở ngại khác, các Chính phủ châu Âu với Đức dẫn đầu có thể kéo dài thời hạn Brexit lâu hơn, nhiều khả năng hạn cuối sẽ vào tháng 6.2020. Mặc dù vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã thể hiện quan điểm cứng rắn của mình. Theo ông, thỏa thuận đã được đàm phán xong giữa EU và Vương quốc Anh, vì vậy bất cứ sự chậm trễ ra đi nào của Anh sẽ không vì lợi ích của ai. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan tỏ ra dễ tính hơn khi nhận định việc EU kéo dài thời gian Brexit cũng là điều hợp lý.

Brexit vốn được lên kế hoạch vào ngày 29.3, hai năm sau khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn nói trên đã bị trì hoãn nhiều lần, một phần vì Quốc hội ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền bà May thống nhất với EU. Ông Johnson lên làm Thủ tướng với cam kết sẽ thực hiện Brexit bằng mọi giá. Thực tế, kể từ khi lên nắm quyền cuối tháng 7, nhà lãnh đạo này khẳng định muốn Anh rời EU vào đúng ngày cuối cùng của tháng 10 dù có hay không có thỏa thuận. Tuy nhiên, phe đối lập đã phản đối quyết liệt và lập luận rằng chính sách đó có thể khiến đất nước bị chia rẽ, làm tê liệt nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Còn nước còn tát

Hiện nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thực hiện nỗ lực mới để hiện thực hóa cam kết, bất chấp những diễn biến bất lợi mới nhất từ cơ quan lập pháp. Ông tỏ ra lạc quan về khả năng thu hút đủ ủng hộ để thỏa thuận với EU được Quốc hội thông qua. Dự kiến, ông muốn tiếp tục thuyết phục Quốc hội một lần nữa vào hôm nay, 22.10. Tuy nhiên, rất khó thuyết phục được các nghị sĩ trả lời 2 lần về cùng một vấn đề trong một kỳ họp vì nó phá vỡ các quy định. Dẫu vậy, đây không phải là dấu chấm hết cho thỏa thuận của ông Johnson. Chính phủ sẽ cố gắng trình thỏa thuận Brexit một cách chi tiết để hai viện của Quốc hội thông qua nhanh trước thời hạn 31.10.

Nhiều Bộ trưởng suy đoán, văn bản hiện có thể nhận được sự hậu thuẫn của 320 nghị sĩ, số lượng cần thiết để được thông qua. Bộ trưởng Michael Gove tỏ ra lạc quan nhất, bởi nguy cơ một Brexit không thỏa thuận đã tăng lên do chưa có gì đảm bảo rằng EU sẽ cho phép Anh trì hoãn thêm.

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson còn nhận được khích lệ lớn khi cựu Bộ trưởng Nội các Amber Rudd - người đã rời bỏ Chính phủ và đảng Bảo thủ để phản đối cách thức ông xử lý khủng hoảng Brexit, cho biết bà và nhiều người khác đang sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận của ông. Bên cạnh đó, Thủ tưởng cũng nhận được sự ủng hộ của một số nghị sĩ Công đảng. Đảng đối lập chính này vừa bị cáo buộc cố tình cản trở Brexit sau khi người phát ngôn về Brexit của đảng là ông Keir Starmer tuyên bố, Công đảng sẽ chỉ ủng hộ những sửa đổi trong cuộc trưng cầu dân ý lần hai và một liên minh hải quan.

Thậm chí, để ứng phó trong tình huống xấu hơn, hàng trăm công chức Chính phủ Anh đang chạy đua với thời gian trong Chiến dịch Búa vàng (Yellowhammer), để chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng Brexit không thỏa thuận, sẵn sàng cho một cuộc chia tay vào ngày 31.10.

Ngọc Minh