Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động

Bớt thủ tục, thêm đối tượng

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:19 - Chia sẻ
Mục tiêu lớn nhất khi ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.
	Lãnh đạo UBND phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh trao hỗ trợ cho người dân
Lãnh đạo UBND phường 6, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh trao hỗ trợ cho người dân

Tiến độ thực hiện chậm

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ 63 tỉnh, thành phố, đến nay tổng kinh phí đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021 là gần 15,8 nghìn tỷ đồng; trên 19 triệu lượt đối tượng (trong đó gồm 379.610 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác) đã được thụ hưởng. Tại 25 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là trên 11,77 nghìn tỷ đồng (chiếm 75,1% toàn quốc) hỗ trợ trên 11,86 triệu đối tượng (chiếm 62,4% toàn quốc). Qua số liệu này thì thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ Tiêu Minh Dưỡng nêu thực tế: Do hai văn bản nêu trên được tổ chức thực hiện trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các ngành, các cấp tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch, nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Mặt khác, tiến độ chi hỗ trợ sau khi có quyết định phê duyệt ở một số chính sách còn chậm do một số đối tượng đang cách ly y tế tập trung, đang trong khu phong tỏa. Trong khi đó, nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động kê khai qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, nên số lượng người ở một số chính sách còn ít hoặc chưa phát sinh. Đặc biệt, người lao động và người sử dụng lao động cũng chưa thật sự hiểu hết chính sách, chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ với các cơ quan địa phương...

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng nêu vướng mắc: Nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định đối tượng hỗ trợ, nhất là lao động tự do; một số địa phương chưa nắm rõ về các nhóm chính sách hỗ trợ nên hướng dẫn không đầy đủ, kịp thời. Đây cũng là phản ánh của rất nhiều địa phương như Nghệ An, Phú Yên, Kiên Giang…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên Võ Văn Binh cho biết, Nghị quyết 68-NQ/CP quy định, lao động tự do chỉ được nhận hỗ trợ một lần. Để xác minh người đó đã nhận hỗ trợ hay chưa cần phải có giấy xác nhận của địa phương. Đây là vấn đề khó khăn đối với lao động từ các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh về Phú Yên tránh dịch. Vì thế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên đơn giản thủ tục bằng cách lao động chỉ cần cam kết chưa nhận hỗ trợ ở các địa phương khác thì sẽ được xem xét giải quyết.

Điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền… là những vướng mắc nổi lên trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Mở rộng đối tượng thụ hưởng

Để doanh nghiệp, người lao động được dễ dàng thụ hưởng chính sách, nhất là trong bối cảnh dịch tiếp tục kéo dài, tại Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị Chính phủ xem xét lược bỏ nhiều điều kiện, thủ tục; giảm bớt các yêu cầu, mức độ xem xét; đồng thời bổ sung các đối tượng thụ hưởng.

Chẳng hạn, tại điểm 3, mục II sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu: giảm từ 10% xuống 5%: “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”. Hoặc, tại tiết a, điểm 11, mục II cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc; việc cho vay này được áp dụng lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc.

Ngoài đơn giản hóa điều kiện, lược bớt thành phần hồ sơ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị ngừng việc theo Khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc và thuộc một trong các đối tượng sau: phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg…

Hoặc, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021 do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Như vậy, các đối tượng thuộc nhóm phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa; hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được nhận hỗ trợ từ Chính phủ... đã được bổ sung. 

Nguyễn Minh