Trung Quốc nới lỏng<br> chính sách một con

Bớt gánh nặng<br> cho thế hệ tương lai

- Thứ Ba, 31/12/2013, 08:42 - Chia sẻ
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng Trung Quốc đã quyết định nới lỏng chính sách một con hà khắc, từng được coi là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng dân số, song lại kéo theo nhiều hệ lụy, lớn nhất là nguy cơ dân số già.

Biếm họa của Luojie  Nguồn: China Daily
Trong kỳ họp vừa kết thúc, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC - Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nếu vợ hoặc chồng là con một trong gia đình. 

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã quyết định lới nỏng chính sách một con, vốn được áp dụng trong gần 3 thập kỷ qua nhằm kiềm chế sự gia tăng dân số nhanh chóng ở nước này. Theo chính sách dân số cũ, hầu hết các cặp vợ chồng ở khu vực thành thị chỉ được phép sinh một con; các cặp vợ chồng ở nông thôn có thể được phép sinh con thứ hai trong trường hợp con đầu là con gái, hai vợ chồng là người dân tộc thiểu số và đều là con một. 

Lý do chính buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng đưa ra sự điều chỉnh này là trong những năm gần đây, dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc liên tục giảm. Năm 2012, số dân ở độ tuổi lao động của nước này giảm 3,45 triệu người so với năm trước đó, xuống còn 937 triệu người. Trung Quốc hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số gần 1,4 tỷ người. Đây cũng là một phần của kế hoạch nâng tỷ lệ sinh sản và giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho lực lượng dân số đang già hóa. 

Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc hiện ở mức thấp khi một phụ nữ nước này, trong suốt cả cuộc đời sinh sản của mình chỉ sinh trung bình khoảng 1,5 - 1,6 con. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lực lượng lao động trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các chuyên gia dự đoán với tốc độ lão hóa dân số hiện nay, tới năm 2023, mỗi năm số dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm tới 8 triệu người, thay vì con số 3,45 triệu người hiện nay. Đến thời điểm đó, số dân từ 60 tuổi trở lên, không có khả năng lao động, sẽ là khoảng 400 triệu người, tương đương 25% tổng dân số Trung Quốc, tăng mạnh so với tỷ lệ 14% hiện nay (tương đương 194 triệu người). Số liệu của chính phủ cũng cho biết, chính sách một con áp dụng từ thập niên 1970 của thế kỷ trước đến nay đã thu hẹp quy mô dân số Trung Quốc xuống khoảng 400 triệu người.

Cùng với mặt trái của dân số già do chính sách này gây ra, sự mất cân bằng giới tính do quan niệm trọng nam khinh nữ, con trai nối dõi tông đường đã kéo theo các vấn đề xã hội khác. Số nam giới không có vợ tại Trung Quốc hiện nay là khá đông, khiến họ phải đi tìm các cô dâu nước ngoài, hay cảnh một vợ phải chung nhiều chồng trở nên khá phổ biến, đặc biệt là tại các vùng nông thôn lạc hậu.

Các chuyên gia phân tích nhận định dân số già, số người lao động suy giảm đóng vai trò then chốt trong quyết định nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, vì đây là hai nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển nền kinh tế quốc gia để duy trì vị thế số hai thế giới của Trung Quốc. Trong bối cảnh triển vọng của kinh tế Mỹ sáng sủa hơn và tiếp tục là nền kinh tế mạnh nhất của phương Tây, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin kinh tế nước này có thể tăng trưởng 7,6% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu 7,5% do Bắc Kinh đề ra trước đó. Năm 2012, kinh tế Trung Quốc mở rộng 7,7%, mức thấp nhất trong 13 năm. Thực tế này đặt ra thách thức không nhỏ đối với Bắc Kinh. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc vừa kết thúc, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và lành mạnh, đồng thời kiểm soát những nguy cơ có thể nảy sinh khi Chính phủ thúc đẩy các cải cách tài khóa và tài chính. Hội nghị đã nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ vẫn phải đối mặt với những sức ép vào năm tới, trong khi những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn. Vì thế, nới lỏng chính sách dân số để bảo đảm một cơ cấu dân số hợp lý có thể tạm coi là bước đi cần thiết đầu tiên của Bắc Kinh hướng tới một mục tiêu dài hạn.

Thành An