Bong bóng đang lan tới Trung Quốc

Linh Đan 17/08/2009 00:00

Ở nhiều nước châu Á, cùng với những dấu hiệu phục hồi nhanh về kinh tế, bắt đầu xuất hiện mầm mống của “bong bóng” bất động sản, trong đó Trung Quốc là nước mà giới chuyên gia tài chính lưu ý nhất. Họ lo ngại rằng, nếu chỉ mải tự hào về thành công về phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo có thể lãng quên những yếu tố đã từng làm nền kinh tế của họ điêu đứng.

Thị trường nhà đất Trung Quốc đang hình thành những bong bóng ngày càng phình to. Nguy cơ đó chưa thể hiện trên các con số thống kê chính thức, vốn luôn “bị nhiễu” do những chính sách khác nhau mà nhà nước đưa ra, hoặc để ổn định tình hình, hoặc để hâm nóng thị trường. Tuy nhiên, thị trường nhà đất Trung Quốc hiện đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho những quả bong bóng này phát triển: vốn ứ đọng nhiều, nhu cầu của cả bên bán và bên mua đều không phải là nhu cầu thực mà xuất phát từ ý định đầu cơ. Những diễn biến mới của thị trường cũng cho thấy xu hướng tăng giá mạnh: số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy giữa tháng 6 và tháng 7 vừa qua, giá 1m2 nhà đất bán ra đã tăng 7% chỉ trong vòng một tháng. Giá nhà đất đã tăng đồng loạt tại 63 trên tổng số 70 thành phố lớn, kể cả ở Quảng Đông và Thâm Quyến - những nơi hoạt động xuất khẩu là chủ yếu.

Nhìn ra thế giới, giá bất động sản ở Trung Quốc hiện đang rất cao. Để mua được nhà, người dân phải trả 3 tháng tiền lương cho 1m2 (theo giá nhà nước). Trong khi đó ở Anh, nơi giá bất động sản thuộc diện cao ở châu âu, cũng chỉ ấn định mức giá tương đương với 1,1 tháng lương bình quân.

Có hai yếu tố đẩy giá bất động sản Trung Quốc tăng cao đến vậy. Trước hết, khả năng tiếp cận vốn vay để mua nhà đang rất dễ. Những người muốn mua nhà có thể được phép vay ngân hàng đến 30% giá trị nhà mua với lãi suất thấp nhất. Nhân tố thứ hai liên quan đến xu hướng này, đó là sự nhìn nhận có phần tiêu cực của người dân. Họ lo sợ rằng lạm phát, thêm vào đó là tín dụng dồi dào sẽ khiến các khoản tiền tiết kiệm của họ mất giá trị. Như vậy, việc mua bất động sản trở thành phương án tối ưu để giữ tiền trong giai đoạn khủng hoảng.

Cách suy nghĩ của những người rao bán cũng là lý do khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Thông thường, các công ty hoặc cá nhân sẽ bán đi căn hộ đã hoàn tất để thu hồi vốn và mua mảnh đất khác để đầu tư. Nhưng do thị trường vốn đang dồi dào lại có thể vay với lãi suất thấp, họ không cần phải vội vàng bán làm gì. Điều này dẫn đến tình trạng nhà để bán không có nhiều, trong khi nhu cầu mua lại cao, khiến giá cả nhà đất ngày càng bị đẩy lên. 

Ở Trung Quốc cũng như tại một số nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, xu hướng nêu trên sẽ tiêu tan khi ngân hàng quyết định ngừng cho vay vốn mua nhà đất. Trong trường hợp này, cả người bán và người mua sẽ phải chịu tổn hại. Những người muốn mua nhà, do nguồn ngân sách để mua nhà của họ bị cắt đứt, sẽ dẹp bỏ ý định mua nhà hoặc tìm những bất động sản vừa túi tiền hơn. Các chủ đầu tư, do phải đối mặt với nguy cơ sụt giá vì ế ẩm, sẽ phải thúc đẩy việc bán các căn hộ tồn đọng để có thể thu hồi vốn nhanh, dẫn việc giá nhà sụt nhanh mà vẫn không bán được, khiến doanh nghiệp không có khả năng thu hồi vốn, thậm chí bị phá sản.

Đây có thể là sự lặp lại kịch bản đã từng xảy ra tại Mỹ cuối năm 2007 đầu năm 2008. Như vậy, việc thả nổi hoạt động cho vay không chỉ gây tác hại tiêu cực đến tình trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng mà còn đẩy lạm phát tăng cao hơn. Và một khi bong bóng bất động sản bùng nổ lần thứ hai trong một cuộc khủng hoảng chưa qua, các nhà chức trách sẽ khó có thể ngăn chặn cơn sóng thần này. Tất nhiên, khả năng phục hồi cũng sẽ chậm và lại càng khó khăn hơn. Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, các kế hoạch kích cầu và cải cách trong giai đoạn hiện nay vẫn nên tập trung hơn cả vào hỗ trợ người mất việc làm, các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, thay vì quá chú trọng đến khu vực tài chính.

Theo Le Monde

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bong bóng đang lan tới Trung Quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO