Bollywood nỗ lực mở rộng thị phần
Với những bộ trang phục sari, những bài hát và điệu nhảy đặc trưng, các tài năng điện ảnh Ấn Độ đã tập trung về miền Bắc nước Anh để tôn vinh và quảng bá cho ngành công nghiệp của mình trong một chương trình lưu động được biết đến với tên gọi: Bollywood Oscars.

Trong 4 ngày cuối tuần qua, Giải thưởng quốc tế của Viện hàn lâm Điện ảnh Ấn Độ (IIFA) đã tôn vinh các diễn viên, đạo diễn và những sáng kiến của ngành công nghiệp sản xuất phim nhiều nhất thế giới này; Đồng thời, nâng cao hình ảnh của điện ảnh Ấn Độ trên trường quốc tế trong nỗ lực tăng thị phần ở nước ngoài. Nhân dịp này, siêu sao Amitabh Bachchan cùng con trai Abhishek và con dâu Aishwary Rai đã giới thiệu chương trình vòng quanh thế giới đến 18 nước trong năm tới để cảm ơn khán giả và nới rộng biên giới của phim Bollywood. 3 người - hiện được coi là những gương mặt được khán giả yêu thích nhất của Bollywood- cũng đã có mặt tại LHP Cannes ở Pháp tháng trước, cùng với các nhà làm phim Ấn Độ để quảng bá cho những bộ phim chuẩn bị cho ra lò… Những nỗ lực quảng bá như trên dường như đã mang lại hiệu quả khi mối quan tâm đối với Bollywood tăng lên nhanh chóng. Ở Anh và Ireland, thị trường điện ảnh lớn thứ hai toàn cầu, doanh thu của phim Ën Độ tại các phòng vé tăng gấp hơn 2 lần, từ 5,7 triệu bảng (11,2 triệu USD) năm 1999 lên 12,4 triệu bảng năm 2005.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh được coi là khá thành công, nhưng những bộ phim nổi tiếng thế giới mang nhãn hiệu Bollywood vẫn còn ít. Đến nay, mới chỉ có 3 bộ phim của Bollywood lọt vào danh sách tranh giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất, là Lagaan (2001), Salaam Bombay! (1988) và Mẹ Ấn Độ (1957).
Theo Geoff Jones – giáo sư môn lịch sử kinh doanh, Đại học Harvard, Mỹ, doanh thu trong nước thấp có thể là một lý do giải thích tại sao Bollywood muốn quảng bá ở nước ngoài. Năm 2005, tổng doanh thu của Bollywood là 575 triệu USD, trong khi của Hollywood là 23 tỷ USD. Tại Ấn Độ, giá vé trung bình là 30 cent Mỹ, trong khi con số này trên thế giới là 4,7 USD. Đấy là chưa kể “cơ sở tài chính yếu kém” và sự tách rời các chức năng sản xuất, phân phối và quảng bá. Điều này ngược với các hãng phim lớn của Mỹ như 20th Century Fox, kết hợp cả 3 yếu tố trên lại với nhau.
Một số người đưa ra các lý do về văn hóa và nghệ thuật cản trở quá trình “toàn cầu hóa” của phim Bollywood. Đạo diễn, diễn viên Naseeruddin Shah, ngôi sao trong phim Moonsoon Wedding (2002) từng trả lời phỏng vấn trên đài BBC rằng phim Bollywood không giống các phim Iran, Hàn Quốc hay Mexico. “Chúng tôi vẫn đang lần mò với công thức cũ nhưng an toàn là nam - gặp - nữ. Đó là lý do tại sao phim của chúng tôi bị coi là cứng nhắc”. Diễn viên Bobby Deol thì lập luận, những khác biệt về văn hóa có thể kìm hãm tốc độ phát triển của phim Bollywood. “Có nhiều người châu Á ở Anh muốn xem phim Bollywood nhưng người Anh thì không, bởi văn hóa của chúng tôi khác”. Tuy nhiên, Amitabh khẳng định: “Điện ảnh Ấn Độ đã trải qua một quá trình khó khăn, vất vả. Thật thú vị khi cả thế giới đã thừa nhận sự hiện diện của chúng tôi. Bollywood có thể nối liền những khác biệt về văn hóa”.
Thực tế, nội dung các phim Bollywood đã thay đổi, vượt khỏi những khuôn mẫu truyền thống, dám đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm như đồng tính. Một tín hiệu đáng khích lệ khác cho tương lai của Bollywood là Hollywood ngày càng quan tâm đến Ấn Độ, qua các phim như Sawariya, của đạo diễn Sanjay Leela Bhansali và hợp đồng với Sony Pictures. Sự hợp tác kiểu như vậy từng cho ra đời những bộ phim nổi tiếng như Ngọa hổ tàng long (2000) và Thập diện mai phục (2004), đưa Trung Quốc có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Khang Duy
Theo AFP