Chính trị

Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo

Thanh Chi 06/05/2025 18:50

Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu đề nghị cần quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tài cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nên tích hợp chương trình đào tạo công nghệ cao vào chương trình giáo dục phổ thông

Các đại biểu cho rằng, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cơ quan, đơn vị đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ trong tổ chức, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn những quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong thời đại khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay.

db2.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Hồ Long

Chính vì vậy, các ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm góp phần tạo đột phá trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của nước ta.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 chưa quy định đầy đủ cơ chế để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như cơ chế thúc đẩy đãi ngộ nhân tài cho hoạt động khoa học, công nghệ.

Luật hiện hành cũng chưa đề cập sâu đến chuyển đổi số là cốt lõi, đòi hỏi quy định của pháp luật phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực hiện.

"Với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn được nêu trong Tờ trình dự án Luật thì Quốc hội cần sớm thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo".

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết để khi luật có hiệu lực thì có ngay các quy định chi tiết, các văn bản hướng dẫn, bảo đảm luật đi vào cuộc sống.

db3.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Các ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Vũ Hải Quân đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã thể chế hoá, đưa tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý về các nội dung cụ thể như: cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách của Nhà nước thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cấp quốc gia…

Khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật quy định “Nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ thông qua tài trợ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ, hấp thụ công nghệ khi doanh nghiệp triển khai hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài”.

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Trần Kim Yến đề nghị nên bỏ khoản 3 Điều 29 vì cho rằng nếu Nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước nhận chuyển giao công nghệ thì được. Bản thân doanh nghiệp tư nhân luôn nhạy bén, lựa chọn công nghệ phù hợp và nếu không hấp thụ công nghệ họ sẽ nhanh chóng bị đào thải do không cạnh tranh được với đối thủ trên thị trường, do đó, không cần nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ.

db1(3).jpg
ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Quan tâm tới quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 56 dự thảo Luật), ĐBQH Hà Phước Thắng đề nghị bổ sung quy định về chương trình đào tạo công nghệ cao như chương trình tích hợp nội dung về lập trình, AI, STEM vào chương trình giáo dục phổ thông; bồi dưỡng giáo viên về công nghệ cao; chương trình hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ nhằm đào tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên và nhà khoa học trẻ tham gia các dự án đổi mới sáng tạo ngay từ khi còn học tập; tổ chức thí điểm tại một số địa phương mô hình giáo dục công nghệ cao tại các thành phố lớn.

Cần bố trí ngân sách hàng năm cho hạ tầng chất lượng quốc gia

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu đề nghị, Chính phủ cần bố trí ngân sách hàng năm và quy định tỷ lệ trích từ ngân sách nhà nước để chi cho phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, bởi nếu không có nguồn lực thì không thể nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cấp hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

db4.jpg
ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị, cần chuẩn hóa hệ thống dữ liệu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, xuất phát từ thực tế hiện nay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa còn khó khăn do không có sự liên thông về hệ thống dữ liệu giữa các bộ, ngành trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từng ngành, lĩnh vực.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá tập trung giải quyết những vấn đề nhức nhối mà pháp luật hiện hành chưa xử lý được.

Đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, không vì thế mà triệt tiêu việc “tiền kiểm” trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá. "Cần quy định linh hoạt giữa tiền kiểm và hậu kiểm, nhất là đối với những sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO