Bội chi ngân sách trước nguy cơ liên tục vượt trần Quốc hội cho phép

Hồng Loan 23/05/2015 08:28

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước QH, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 lên tới 6,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 5,3% QH đã phê duyệt. Đáng quan tâm hơn, theo cảnh báo UB Tài chính – Ngân sách, khả năng bội chi năm 2014, 2015 sẽ tiếp tục vượt trần QH đặt ra. Mệnh lệnh “giữ nghiêm kỷ luật tài chính” dường như chỉ nằm trên văn bản chứ chưa đi vào thực tế điều hành ngân sách.

Năm 2013, QH quyết định bội chi NSNN là 162 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, sau đó điều chỉnh lên mức 195,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% GDP theo đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo trước QH trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ Chín, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận số bội chi quyết toán của năm 2013 là hơn 236,5 nghìn tỷ đồng, vượt gần 41,3 nghìn tỷ đồng so với mức QH đã điều chỉnh và bằng 6,6% GDP. Bộ Tài chính cho biết, bội chi ngân sách cao như vậy là do tăng chi từ nguồn vốn ODA 29,422 nghìn tỷ đồng cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ và tăng chi trả nợ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13,19 nghìn tỷ đồng phát sinh năm 2011.

Khả năng bội chi ngân sách năm 2014 và 2015 sẽ tiếp tục vượt mức trần đã được QH phê duyệt, như cảnh báo của UB Tài chính - Ngân sách, cũng đang ngày một trở nên rõ ràng. Theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, nguồn vốn vay ODA thực hiện giải ngân năm 2014 đạt hơn 5,6 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 40% được đưa vào NSNN cho chi đầu tư phát triển, tăng rất cao so với dự toán. Chính phủ hiện chưa cung cấp cho QH số liệu đầy đủ về số vốn ODA giải ngân trong năm 2014. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: do giải ngân vốn ODA năm 2014 thực hiện theo tiến độ đầu tư, cần phải tiếp tục tổng hợp, chuẩn xác thêm số liệu và sẽ báo cáo với QH. Khi quyết toán, số vốn vay ODA giải ngân vượt dự toán thì Chính phủ sẽ kiến nghị cho phép điều chỉnh tăng tương ứng vào số bội chi NSNN năm 2014. Tương tự, giải ngân vốn ODA của năm 2015 đang có xu hướng vượt dự toán khá cao. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, điều này dẫn tới số bội chi NSNN không giữ được mức trần đã được QH quyết định.

Diễn biến thực tế của thu, chi ngân sách những tháng đầu năm nay cho thấy áp lực thâm hụt ngân sách còn lớn hơn nữa. Thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2014; chi NSNN đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2014; bội chi ước 48,55 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán.

Thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay tuy có tăng lần lượt 17% và 7,3% nhưng thu từ dầu thô lại giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt 23 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán. Bộ Tài chính cho biết, giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng đạt khoảng 58,3USD/thùng do giá bình quân chỉ đạt 58USD/thùng so với giá 100USD/thùng trong dự toán ngân sách, giảm 41,7USD/thùng so giá tính dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn, bằng 38,7% kế hoạch năm. 

Thu ngân sách từ dầu thô dự báo sẽ giảm, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu cũng chịu tác động làm giảm thu. Điều này đòi hỏi các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phải tăng để bù đắp lại khoản hụt thu nói trên. Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I.2015 – công bố đúng ngày khai mạc Kỳ họp thứ Chín của QH, trong ngắn hạn, phần tăng thu ngân sách do hoạt động kinh tế gia tăng sẽ chưa bù đắp được phần giảm thu do giá năng lượng thấp. “Cán cân ngân sách đối mặt với khả năng thâm hụt thêm 45 - 64 nghìn tỷ đồng, tức là tỷ lệ thâm hụt ngân sách có thể đạt 6 - 6,5% GDP”, các tác giả của báo cáo dự đoán.

Đã vậy, 2 “điểm tựa” để bù đắp cho bội chi ngân sách hiện đều đang lung lay. Trong khi thu từ dầu thô bấp bênh, việc phát hành trái phiếu Chính phủ không mấy sáng sủa. Chính phủ lên kế hoạch phát hành 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm nay nhưng đến hết tháng 4 mới phát hành được hơn 64,5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình những tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi các tổ chức tín dụng tăng cho vay tín dụng đối với khu vực sản xuất - kinh doanh, do đó, có thể sẽ giảm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Tại Phiên họp cuối cùng của UBTVQH trước khi khai mạc Kỳ họp thứ Chín, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “Chúng tôi đang rất khó khăn để huy động vốn”. 

NSNN đứng trước nguy cơ liên tục thâm hụt cao như vậy nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy kỷ luật tài chính sẽ được chấp hành nghiêm túc hơn. Trong Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2013, UB Tài chính – Ngân sách vẫn đề nghị QH cho phép quyết toán mức bội chi 6,6% GDP (tương đương hơn 236,5 nghìn tỷ đồng) mà Chính phủ đưa ra, với lý do đây là con số đã phát sinh. Đối với công tác điều hành ngân sách năm 2014 và 2015, UB Tài chính – Ngân sách yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật tài chính, chi tiêu theo dự toán, tránh tăng tỷ lệ bội chi so với số đã được QH quyết định. Điều gì bảo đảm đề nghị của UB Tài chính – Ngân sách, Nghị quyết của QH về dự toán NSNN được tôn trọng và bội chi không lặp lại tình trạng vượt trần QH cho phép như đã xảy ra trong năm 2013? Như đã nhắc tới ở trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn bày tỏ ý định sẽ tiếp tục đề xuất QH cho phép điều chỉnh tăng tương ứng số vốn ODA giải ngân vào số bội chi NSNN năm 2014. Liệu rằng, QH có “đành phải” tiếp tục “cho qua” vì sự đã rồi hay không?    

Thâm hụt ngân sách đã diễn ra liên tục trong khoảng hơn một thập kỷ qua và có mức độ ngày một gia tăng, hậu quả để lại cho nền kinh tế là rất nghiêm trọng. Một gia đình không thể bền vững nếu đã luôn trong tình trạng bóc ngắn cắn dài lại còn chi tiêu không hợp lý. Một quốc gia không thể phát triển lành mạnh trên nền tảng NSNN dễ dãi với vay nợ, bội chi. Chỉ có thể thiết lập lại kỷ luật ngân sách - đang rất lỏng lẻo hiện nay - khi quy được trách nhiệm cá nhân đối với những người có quyền hạn với ngân sách. Tinh thần này phải được thể hiện rõ trong Luật NSNN sửa đổi, dự kiến được QH thông qua trong những ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ Chín.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bội chi ngân sách trước nguy cơ liên tục vượt trần Quốc hội cho phép
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO