Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 từ 2025 trở đi sẽ gồm 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật).
Môn thi thứ 3 phải được Sở GD-ĐT công bố vào ngày 31.3 hằng năm, cách kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khoảng 3 tháng.
Nhiều ý kiến trái chiều nổi lên về vấn đề này, trong đó phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân ghi nhận 3 phương án mà nhà trường, học sinh, phụ huynh quan tâm.
Cụ thể, bên cạnh đề xuất của Bộ GD-ĐT là cho học sinh bốc thăm môn thi thứ 3, các chuyên gia và phụ huynh đề xuất 2 phương án: 1 là học sinh được tự chọn môn thi thứ 3 nhằm đảm bảo công bằng; 2 là ấn định 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Bốc thăm để gạt bỏ tâm lý ứng thi, chỉ học tủ, học lệch
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, định hướng, mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chống học lệch và học tủ. Đặc biệt, với cấp THCS học sinh phải học đều tất cả các môn. Đây cũng là quãng thời gian để học sinh học một cách phổ quát, củng cố kiến thức cơ sở về mọi mặt của cuộc sống.
“Bộ GD-ĐT đã bỏ Tiếng Anh là môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, đầu ra THPT và đầu vào đại học đã không bắt buộc sử dụng Tiếng Anh vậy tại sao vào lớp 10 chúng ta phải ép thí sinh thi Tiếng Anh.” Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương nhận định.
Cô giáo Vân Hồng nhận định rằng, phương án bốc thăm chính là công bằng nhất. Khi bốc thăm chúng ta sẽ có được môn thi hoàn toàn khách quan. Theo cô Hồng, phương án của Bộ đưa ra đã có sự cân nhắc rất kỹ. Thời gian môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31.3 hàng năm cũng là thời điểm hợp lí vì lúc này các trường đã dạy xong chương trình và tập trung vào giúp học sinh ôn thi.
Cũng đồng tình với phương án bốc thăm của Bộ GD-ĐT, chuyên gia giáo dục, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết, việc ấn định môn thi là lí do để thí sinh học lệch, học tủ.
Từ việc học lệch, học tủ, chọn các môn học dễ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học thiết yếu, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.
“Để tránh tình trạng này. phương án thi 3 môn với 1 môn bốc thăm như dự kiến là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên giới hạn số môn nằm trong danh mục bốc thăm”, thầy Ngọc nhấn mạnh.
Trước các ý kiến bốc thăm môn thi thứ 3 tạo sự may rủi, thiếu công bằng, chuyên gia đề xuất chỉ cần giữ đề thi ở mức độ cơ bản, ít nâng cao để giảm tải áp lực thi cử cho học sinh..
“Trong các diễn đàn, phụ huynh than phiền việc bốc thăm, có thêm môn thi đồng nghĩa phải học thêm nhiều. Điều này không đúng, bởi áp lực kỳ thi không xuất phát từ môn thi mà đến từ tính cạnh tranh, đổ xô để con học trường công lập. Trong khi đó, chỉ tiêu, số trường, số lớp dành cho THPT công lập lại quá ít. Sự kỳ vọng của phụ huynh vượt quá sức học của con cũng là yếu tố đẩy cao tính căng thẳng của kỳ thi này”, thầy giáo khẳng định.
Thầy Vũ Khắc Ngọc quả quyết, nếu đã học nghiêm chỉnh thì không gặp khó khăn gì trong vấn đề này. Phụ huynh và học sinh cần gạt bỏ tâm lý ứng thí, chỉ học các môn để thi, bởi ảnh hưởng không tốt đến tương lai các em sau này.
Nguy cơ thiếu hụt nhân tài tại các ngành khoa học cơ bản
Liên quan tới việc để học sinh tự chọn môn thi. Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương đánh giá đây là một phương án hay. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới tình trạng cồng kềnh khi tổ chức kỳ thi và không phải địa phương nào cũng có thể tổ chức được. Đồng thời, việc để thí sinh chọn môn thi liệu có tạo một lý do để học sinh chỉ học những môn mình thích, môn dễ học hơn.
Theo cô Hồng, từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, đã manh nha xuất hiện việc học sinh chọn Sử, Địa, Giáo dục Công dân mà “trốn” các môn khoa học cơ bản. Điều đó cho thấy rằng học sinh đang có một “lý do chính đáng” để né tránh những môn tư duy logic, vô hình chung tạo ra thói quen ngại nghĩ, ngại tư duy, ngại làm những điều khó cho học sinh.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển tiên tiến, văn minh, hiện đại, rất cần lực lượng nhân tài có tư duy logic, hiểu biết về khoa học, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát mà thả nổi việc học các môn KHTN trong trường học, nguy cơ về sạch bóng nhân tài trong các lĩnh vực liên quan tới KHTN là một tương lai có thể dự báo trước.
Có cùng quan điểm về nhận định này, chuyên gia giáo dục, thầy giáo Nguyễn Khắc Ngọc cho biết, dễ nhận thấy tình trạng học sinh bỏ bê các môn học đã diễn ra từ lớp 7, lớp 8. Học sinh hiện nay đang bị mất gốc kiến thức về cả KHTN và khoa học xã hội. Điều này khiến các em khi lên bậc THPT khó lựa chọn các môn chuyên sâu cho tổ hợp xét tuyển đại học.
Không chỉ vậy, những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh thiếu hụt kiến thức KHTN, chỉ chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang gia tăng. Nhiều học sinh có xu hướng ‘chạy trốn’ khỏi các môn Toán - Hóa - Sinh bởi quá khó. Từ việc học lệch, học tủ, chọn các môn học dễ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học công nghệ, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.
Vậy thí sinh nên chọn môn thi như thế nào?
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, Chương trình GDPT mới đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ.
Thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất cho học sinh được chọn môn thi vào lớp 10. Khi đó, ngoài Toán, Ngữ văn, học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3 phù hợp với năng lực để thi tuyển vào lớp 10 là phù hợp nhất. Bởi vì khi lên THPT, học sinh được chọn tổ hợp môn để học theo năng lực.
Theo ý kiến của một số giáo viên tại Hà Nội, việc cho thí sinh chọn môn thi có thể thực hiện, tuy nhiên cần khoanh vùng lựa chọn cho học sinh. Tốt nhất chỉ đưa ra 2 phương án, thứ nhất là tổ hợp môn KHTN thứ 2 là tổ hợp môn khoa học xã hội (Sử - Địa - Công dân). Bởi trong thực tế giáo dục, có nhóm học sinh mang năng lực tốt hơn ở các bộ môn tự nhiên, tương tự nhiều học sinh mang thiên hướng học môn khoa học xã hội tốt hơn.
Đối với đề thi, chỉ cần giữ ở mức độ cơ bản, ít nâng cao để giảm tải áp lực thi cử cho học sinh. Bởi trước đó, sau vài chục năm chỉ tổ chức thi Toán, Ngữ văn, 2019 là năm học đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi 4 môn để xét tuyển vào lớp 10 công lập. Quyết định này ban đầu nhận nhiều phản đối, tuy nhiên, phổ điểm môn này đẹp nhất, điểm trung bình là 7,29.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào chiều nay 7.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, nếu chọn một môn cố định, Bộ GD-ĐT lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như vậy, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới.
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu có thể có các phương thức, hình thức khác nhau có thể lựa chọn trong số các môn còn lại, ví dụ như năm nay có thể thi môn khoa học xã hội, năm sau có thể khoa học tự nhiên, năm sau có thể các môn khoa học khác hoặc có thể bốc thăm.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 của giai đoạn trước làm sao vừa mang tính ổn định nhưng có sự đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông của 2018.