Công văn được gửi tới các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; y tế các Bộ, ngành.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Bên cạnh đó, phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa tập trung đông người... nếu có tại địa phương. Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đuối nước, giẫm đạp; cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo thường trực Đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp có diễn biến đặc biệt như cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp qua đường dây nóng, đồng thời báo cáo nhanh bằng văn bản về tình hình diễn biến đặc biệt để kịp thời giải quyết.
Cơ sở khám chữa bệnh cũng cần báo cáo trực tuyến số liệu từng ngày về tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn giao thông. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh thực hiện báo cáo, trường hợp không có dữ liệu khám chữa bệnh phát sinh vẫn phải gửi báo cáo.