Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Sửa đổi, bổ sung định nghĩa, phạm vi hoạt động tiêm chủng
Bộ Y tế cho biết, qua 08 năm triển khai thực hiện Nghị định số 104/2016/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2016/NĐ-CP; bên cạnh những kết quả đã đạt được, các Nghị định trên cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung hoạt động tiêm chủng chống dịch cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có nguy cơ dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch hoặc vùng có nguy cơ dịch.
Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi định nghĩa về cơ sở tiêm chủng; bổ sung các hình thức triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng; sửa đổi việc đề xuất nhu cầu vaccine hàng năm và trong giai đoạn 3 năm.
Bộ đề xuất bổ sung quy định ngân sách trung ương để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin tiêm chủng; sửa đổi, bổ sung quy định về việc thủ tục giải quyết bồi thường, bồi hoàn từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Cụ thể, tiêm chủng chống dịch là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc vùng có nguy cơ dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch hoặc vùng có nguy cơ dịch.
Cơ sở tiêm chủng là cơ sở đủ điều kiện và đã thực hiện việc công bố đủ điều kiện cơ sở tiêm chủng theo quy định tại Nghị định này.
Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vaccine bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Các hình thức triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm: tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bù liều, tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch đối với các bệnh truyền nhiễm có vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cung ứng vaccine cho hoạt động tiêm chủng
Theo dự thảo của Bộ Y tế, vaccine sử dụng cho hoạt động tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước bảo đảm về số lượng, chủng loại phù hợp nhu cầu đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho giai đoạn 03 năm và điều chỉnh cập nhật hằng năm.
Căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và hệ số sử dụng của từng loại vaccine, cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm lập dự kiến nhu cầu vaccine theo quy định gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp xã tổng hợp nhu cầu và đề xuất.
Cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp xã, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhu cầu đề xuất cho giai đoạn 03 năm tiếp theo và năm sau liền kề.
Khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu vaccine cục bộ tại các cơ sở tiêm chủng, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc điều phối vaccine giữa các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn để bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ, kịp thời, liên tục.
Khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu vaccine cục bộ tại một số tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan điều phối vaccine giữa các tỉnh.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Số loại vaccine tăng dần theo thời gian, từ 06 vaccine thiết yếu năm 1985 tới nay đã có vaccine phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai trong TCMR trên toàn quốc.
Trong gần 40 năm triển khai, Chương trình này đã đạt được những thành tựu lớn, góp phần quan trọng trong việc thanh toán, loại trừ và giảm mạnh các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Để có thể góp phần đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 4 là giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những thành quả và tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả của Tiêm chủng mở rộng.