Cam kết với COP26, Việt Nam định hướng công trình xanh
Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Được mô tả là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên hướng đến việc đảm bảo đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khỏang 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5% đã gia tăng áp lực lên nhu cầu sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.
Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam chỉ có khoảng 200 công trình đạt tiêu chí công trình xanh. Đây là con số rất khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng. Do đó trong những năm tới, ngành xây dựng cần triển khai nhiều giải pháp cấp bách thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, COP26.
Cụ thể các quốc gia phải đạt được 4 mục tiêu: Đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,50C; Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên; Huy động tài chính cho lời hứa 100 tỷ USD; Đoàn kết vì mục tiêu khí hậu.
Tại COP26, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman khẳng định “công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững và nỗ lực phục hồi xanh của lĩnh vực bất động sản. Cải tạo và phục hồi kinh tế thông qua xây dựng xanh và hiệu quả năng lượng có thể tiết kiệm chi phí lâu dài và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cải thiện phúc lợi, sức khỏe và môi trường sống và làm việc của người sử dụng”.
Thúc đẩy việc phát triển công trình xanh
Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh… Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD và từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE.
Đồng thời, trên thực tế, Bộ đã triển khai nhiều chính sách như: Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Ngoài ra còn có: Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 7.1.2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, hiện Bộ đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng… Thúc đẩy việc phát triển công trình xanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam Phan Thu Hằng cho biết, với công trình xanh, các tiêu chí xoay quanh sự thoải mái, bảo vệ và cải thiện sức khỏe con người bước đầu sẽ dễ dàng và nhanh chóng trong cách tiếp cận. Tuy nhiên các tiêu chí liên quan đến biến đổi khí hậu, tạo giá trị xã hội… sẽ cần nhiều thời gian và sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để có những bước thay đổi rõ rệt.
Đồng quan điểm, ông Edwin Tan, Phó Tổng Giám Đốc Frasers Property Vietnam cho biết thêm, lộ trình giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 là xuyên suốt chuỗi giá trị của một tổ chức phát triển bền vững, hướng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho những công trình, đô thị và cộng đồng. Điều này sẽ không thể đạt được nếu không có những nỗ lực phối hợp từ lực lượng nòng cốt là nhà quản lý, các nhân viên đến các nhà cung cấp và tất cả các bên liên quan khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12.5.2022 phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” . Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ… để đảm bảo hiện thực cam kết tại COP26.