"Bộ Tứ" nâng tầm quan hệ

Đạt Quốc 11/03/2021 05:13

Lần đầu tiên, các nguyên thủ quốc gia của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ nhóm họp trong khuôn khổ Quad (Bộ Tứ). Sự nóng lòng thúc đẩy Bộ Tứ của Mỹ cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden có vẻ như muốn thể chế hóa cơ chế đối thoại này thành một liên minh và lấy đó làm cơ sở cho chính sách Ấn Độ - Thái Bình dương.

Trọng tâm của chương trình nghị sự

Dự kiến, cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày mai, 12.3. Đây sẽ là lần đầu tiên cuộc hội đàm được tổ chức giữa các nguyên thủ quốc gia của nhóm Bộ Tứ, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ nói với Hãng tin Reuters cuộc gặp sẽ kéo dài khoảng hai giờ và đặt nền tảng cho một cuộc gặp trực tiếp vào cuối năm nay.

"Bẫy Thucydides" là khái niệm mang tên nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides, người đã có những quan sát về cuộc chiến tranh Peloponnese giữa quyền lực mới trỗi dậy là thành bang Athens và quyền lực cũ đang thống trị là thành bang Sparta. Cuộc chiến này đã làm cho nền Văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ. Theo đó, "bẫy Thucydides" mang hàm nghĩa, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, một loạt vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt sẽ được đưa ra thảo luận, từ mối đe dọa của đại dịch Covid-19, đến hợp tác kinh tế và cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Cụ thể, cuộc họp có kế hoạch công bố các thỏa thuận tài chính để hỗ trợ tăng năng lực sản xuất vaccine ở Ấn Độ. 

Đặc biệt, chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào cam kết bảo đảm “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong bối cảnh lo ngại gia tăng về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Các nhà lãnh đạo được cho là sẽ đưa ra ý kiến phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thời điểm để thể chế hóa?

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho là đang rất nóng lòng muốn thu hút sự chú ý trở lại đối với nhóm Bộ Tứ. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan gọi đây là “nền tảng để xây dựng các chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ông Ruan Zongze, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, chia sẻ với Hoàn cầu rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden - người khá quen thuộc với chính sách "tái cân bằng châu Á" từ thời ông Barack Obama - đang kế thừa và thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ thời ông Trump. Ông Biden hy vọng sẽ thực hiện được cách tiếp cận đa phương, sử dụng Quad như một phương tiện ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích khu vực của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và tuyên bố rằng "Mỹ với vai trò đầu tàu đã trở lại".

Tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO nhưng Quad được xem là liên minh tiềm năng đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ban đầu, Quad hay Đối thoại An ninh Tứ giác là một cơ chế xuất hiện vào năm 2004, để phản ứng với động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương. Sau một thời gian gián đoạn, mô hình này được hồi sinh năm 2017 và từ đó phát triển vượt ra ngoài việc hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Gần đây nhất, Quad tập trung vào các nỗ lực thúc đẩy “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc gặp giữa ngoại trưởng 4 nước Bộ Tứ diễn ra lần đầu tiên tại New York năm 2019. Cuộc gặp thứ hai được tổ chức tại Tokyo vào tháng 10.2020, trong đại dịch Covid-19. Sau cuộc gặp tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo nói Mỹ mong muốn “thể chế hóa” nhóm Quad để đưa cơ chế này trở thành một cơ chế chính thức. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khả năng này khó xảy ra, bởi các nước đều có toan tính riêng và đặc biệt là có những ràng buộc lợi ích kinh tế riêng với Trung Quốc.

Ấn Độ - thành viên duy nhất có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc luôn duy trì chính sách “tự chủ chiến lược”, giữ vững sự độc lập trong quan hệ với các nước lớn và tách rời các liên minh. Dù tăng cường hợp tác với Mỹ nhưng Ấn Độ vẫn là khách hàng mua vũ khí đầy tiềm năng của Nga và phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại. Hơn nữa, việc thành lập một liên minh chính thức giữa 4 nước thành viên có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc, có nguy cơ gây thêm bất ổn trong khu vực.

Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp, trong khi Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Tokyo trong 12 năm, theo một báo cáo đầu tư chính thức do Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc công bố năm 2020. Chính vì những yếu tố kinh tế này, một số nhà phân tích nhận định, sự ràng buộc cứng vào một liên minh giống như một NATO ở châu Á có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các nước, bởi các nước ở khu vực không chỉ quan tâm tới an ninh mà còn lấy kinh tế làm trung tâm.

Theo ông Ni Feng, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc: "Các thành viên của Quad có lợi ích quốc gia khác nhau. Khi Mỹ buộc Ấn Độ, Nhật Bản và Australia chọn phe, họ sẽ chọn trên cơ sở cân nhắc cả những thiệt hại kinh tế". Vị chuyên gia này còn lưu ý, Bắc Kinh sẽ tận dụng đầy đủ "quân bài" kinh tế để chống lại các hành động khiêu khích có thể xảy ra từ nhóm Quad. Australia là nước đã phải nếm trải các "đòn trừng phạt" kinh tế khi liên tiếp căng thẳng với Trung Quốc.

Những chuyển động tại khu vực

Trong khi phương án thể chế hóa Bộ Tứ có vẻ chưa khả thi, hoặc chưa chín muồi, thì các cơ chế hợp tác lỏng lẻo hơn của Bộ Tứ và Bộ Tứ+ lại đang được thúc đẩy. Cuộc họp Thượng đỉnh của Bộ Tứ diễn ra trong bối cảnh liên tục có các cuộc tập trận theo cơ chế Bộ Tứ+. Theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ) hôm 9.3, Bộ Tứ và Pháp sẽ có cuộc tập trận chung mang tên La Perouse tại vịnh Bengal từ ngày 4 - 7.4. Lực lượng tham gia gồm các tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm và máy bay trinh sát.

Cuộc tập trận diễn ra sau chuyến thăm dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Ấn Độ vào tuần tới. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của chính phủ Ấn Độ hôm 7.3 cho biết chuyến thăm của ông Austin sẽ là chuyến công du đầu tiên của một quan chức hàng đầu trong chính quyền mới của Tổng thống Biden và sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc phòng.

Ngoài ra, việc một loạt nước phương Tây, bao gồm 4 nước châu Âu là Pháp, Đức, Anh, Hà Lan cùng Canada thông báo ý định gửi tàu chiến tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy sức hút ngày càng đặc biệt của khu vực này trong mối quan tâm địa chính trị của các nước lớn.

Những chuyển biến dồn dập trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc không ngừng thể hiện sự quyết đoán của mình trên biển với việc thông qua Luật Hải cảnh mới. Tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc hôm 5.3, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng còn cho rằng, chính phủ cần tăng chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh với Mỹ. Ông Hứa nhấn mạnh Trung Quốc phải sẵn sàng cho "bẫy Thucydides", ám chỉ cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm thông báo, Trung Quốc có kế hoạch tăng 6,8% ngân sách quốc phòng trong năm 2021, lên đến 208 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ nhưng cao gấp 4 lần so với chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Theo đánh giá của Mỹ, hải quân Trung Quốc - vốn được đánh giá là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục gia tăng số lượng tàu chiến trong những năm tới.

Ước tính số lượng tàu chiến của Trung Quốc sẽ tăng từ 360 chiếc vào năm 2020 lên đến 420 chiếc vào năm 2030, còn số lượng tàu chiến của Mỹ dự kiến tăng từ 297 vào năm 2020 lên đến 355 chiếc vào năm 2034. Bắc Kinh dự kiến sẽ hạ thủy tàu sân bay thứ 3 trong năm nay và đưa vào hoạt động cùng với các tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng cho rằng, ngăn chặn và phản công sẽ là "mạch chính" trong quan hệ song phương Mỹ - Trung. Bình luận của các lãnh đạo quân sự cấp cao Trung Quốc được xem là thừa nhận hiếm hoi về nguy cơ đối đầu ngày càng tăng với Mỹ sau khi căng thẳng hai nước leo thang dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến vấn đề Đài Loan.

    Nổi bật
        Mới nhất
        "Bộ Tứ" nâng tầm quan hệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO