Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14.12 có sự tham dự của đại diện một số ban, bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Địa phương kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những chia sẻ, nhận định về kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; chỉ ra khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất một số giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được nâng lên; công tác duy trì sĩ số được chú trọng, tỷ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và ổn định. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn (cấp tiểu học duy trì phổ cập giáo dục mức độ 3).
Bên cạnh đó, hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh; cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư, bổ sung, các điều kiện về thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 được đảm bảo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT, Ban cán sự Đảng, Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, qua đó đảm bảo đồng nhất liên thông giữa các chỉ tiêu; đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo yêu cầu đổi mới của giáo dục Thủ đô. Ông Cương kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục quan tâm đến Hà Nội, đến giáo dục Thủ đô, để ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đề xuất bổ sung phần thực hiện chính sách về tiền lương cho nhà giáo, thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông; đề nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh xem xét điều chỉnh số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như Trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm; đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ GD-ĐT phối với với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ xem xét ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường có mô hình bán trú dân nuôi, nội trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn.
Đồng thời, xem xét, hỗ trợ các tỉnh khó khăn như Kon Tum về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, có hướng dẫn cụ thể về bằng tốt nghiệp trung cấp nghề với trường hợp có đầu vào trình độ THCS; có cơ chế chuyển tiếp đối với chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn sau khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đổi mới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự, đồng thời cho biết, các đơn vị của Bộ GĐ-ĐT sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo và đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Từ các trao đổi, thảo luận, Bộ trưởng khẳng định các ý kiến đều thống nhất rằng giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, những chuyển biến tích cực.
Để có được những đổi mới như vậy, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược. Nghị quyết 29 giữ vai trò quan trọng trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận, ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều... Do vậy, những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò triển khai Nghị quyết của các 63 tỉnh/thành phố.
“Qua quá trình đánh giá các tỉnh/thành phố, ở nơi nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó sự đổi mới đạt được kết quả rất cao. Điều đó lại không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới đạt được rất nhiều. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, cả nước thực hiện tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn đang làm, vẫn đang triển khai, vẫn chưa hoàn tất và ngay cả những việc vừa hoàn thành thì phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó; bởi giáo dục là con người nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động.
Bộ trưởng cho biết, Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung cần nhấn mạnh: sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo đổi mới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải đồng thời phân tích những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh mới.
“Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều. Trong đó, thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện,...”, Bộ trưởng phân tích.
Nhiều thách thức khác được đề cập đến như thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực khi những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới xuất hiện rất nhiều. Số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên và yêu cầu về sự phát triển rất nhiều ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn nhưng đứng trước việc phân hóa giàu - nghèo lớn lên thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể gia tăng.
Đó còn là thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số. “Chúng ta thường nói tới bệnh thành tích nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, vấn đề của giá trị ảo, đối mặt với vấn đề phi truyền thống”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhắc tới thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Bộ trưởng nêu ví dụ, 10 năm về trước chúng ta chưa bàn luận gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, tuy nhiên ngày nay, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường đại học trên quy mô toàn cầu. Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư, nhưng chúng ta còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục.
3 vấn đề chính cần quan tâm: nhận thức, thể chế và nguồn lực
Theo Bộ trưởng, trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị, sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tới 3 vấn đề chính cần quan tâm, liên quan tới: nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Về vấn đề nhận thức, Bộ trưởng khẳng định, bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục, nhưng nhận thức ở trong các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn; sẽ còn phải tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hoá trong giáo dục và nhận thức trong các vấn đề chuyên môn của ngành.
“Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn. Nếu chỉ gia tăng về nhận thức thì hàng ngày chúng ta vẫn nói với nhau rằng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng sẽ chỉ dừng ở đó mà thôi. Câu chuyện hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp để cho những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng Luật mới là Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.
Về vấn đề nguồn lực, bao gồm tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người, Bộ trưởng nhấn mạnh tới 2 từ khoá rất quan trọng là “tiền” và “con người”. "Càng ngày, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này. Chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói.