Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Bình đẳng trong phát triển giáo dục đại học khối công - tư”

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục ĐH công và và khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội.

Sáng ngày 10.11, tại Trường ĐH Duy Tân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu về chủ trương, định hướng, kỳ vọng với khối đại học ngoài công lập.

ĐH Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường đại học

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường ĐH Duy Tân - một trong 5 trường ĐH ngoài công lập đầu tiên của cả nước trong thời kỳ mới. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, Trường ĐH Duy Tân đã phát triển không ngừng, đã có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực cho Đà Nẵng, cho khu vực Miền Trung- Tây Nguyên và cho cả nước.

Với sự cố gắng rất lớn, đến nay, Nhà trường đã có 5 cơ sở đào tạo khang trang, với diện tích hơn 85.000m2, hơn 250 phòng thực hành, thí nghiệm, hệ thống phòng mô phỏng y khoa, hệ thống thư viện, trung tâm dữ liệu hiện đại cùng với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học khác. Nhà trường đã xây dựng đội ngũ nhân lực với hơn 1.100 giảng viên. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, có chức danh PGS, GS đạt trên 30%.

z6018300781244-8eabd87a4fb9fb4d0ca03e59196066ab.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm 30 năm Trường ĐH Duy Tân và Công bố quyết định trở thành ĐH Duy Tân

ĐH Duy Tân đã phát triển hệ thống đào tạo đa ngành với gần 80 ngành học ở tất cả các cấp đào tạo. ĐH Duy Tân đã cung cấp hơn 87.000 nhân lực có trình độ ĐH, với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 90%, với nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhiều bằng sáng chế và các giải pháp hữu ích.

"Với những thành quả đã đạt được, tôi ghi nhận, chúc mừng những thành tựu, đóng góp rất đáng trân trọng của Nhà trường đối với ngành Giáo dục và với đất nước trong suốt thời gian vừa qua. Sự ra đời, phát triển của ĐH Duy Tân đã góp phần làm thay đổi cơ cấu công tư trong hệ thống các trường ĐH, thay đổi diện mạo của giáo dục ĐH, đã đem lại nhiều việc làm cho các nhà khoa học và cơ hội học tập cho rất nhiều sinh viên, góp phần vào sự nghiệp đổi mới GDĐT, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong suốt 30 năm qua", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục ĐH công và và khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội.

Đối với khối các cơ sở giáo dục ĐH công lập, cần ưu tiên tăng cường hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển, trong khi đối với khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập, cần ưu tiên tăng cường các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển và hội nhập với các ĐH tiên tiến trên thế giới.

Kỳ vọng vào khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập ngày càng có vai trò lớn hơn trong nền giáo dục và phát huy những lợi thế để phát triển nhanh chóng, trở thành ĐH thuộc nhóm các ĐH hàng đầu khu vực Châu Á, từng bước đạt được vị thế cao trên thế giới.

Hiện nay, trong số các ĐH hàng đầu thế giới, một tỷ lệ rất lớn là các ĐH tư. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rất mong, một ngày không xa, ĐH Duy Tân có mặt trong nhóm các trường ĐH hàng đầu châu Á và tiến tới nhóm hàng đầu thế giới.

Từ Trường ĐH Duy Tân trở thành ĐH Duy Tân là một sự lựa chọn mô hình tổ chức và quản trị, cũng là một mô hình phát triển chứng tỏ độ chín và nhu cầu phát triển mới từ bên trong.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong rằng, sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh. Mong ĐH sẽ được vận hành với bộ máy quản trị ĐH khoa học hơn, tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn, sứ mệnh cao hơn, tầm nhìn xa, rộng hơn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Sự thay đổi từ mô hình tổ chức của một trường ĐH sang mô hình tổ chức của một ĐH cần tạo ra những động lực mới và những sung lực mới, giải phóng được sức sáng tạo và tạo ra những năng lượng mới tạo sự phát triển ĐH nhanh và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đạo tạo ủng hộ sự lựa chọn mô hình phát triển này bằng cách đã ủng hộ làm các thủ tục để chuyển Trường ĐH Duy Tân thành ĐH Duy Tân.

Cũng nhân lần thay đổi mô hình tổ chức lần này, Nhà trường cần rà soát về triết lý và chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn; rà soát lại cách thức quản trị ĐH, phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học và công bố khoa học, thu hút và phát triển nhân lực thời gian qua… Cái gì hay và hợp lý thì tiếp tục phát huy, cái gì chưa hợp lý, không đem lại uy tín và giá trị thì cần thay đổi.
Cần củng cố và làm vững chắc thêm niềm tin của xã hội bằng sự đầu tư cho chất lượng trong tất cả các hoạt động của đại học. Lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, lấy uy tín làm ý nghĩa sống còn, gia tăng sự thuyết phục và sự tin tưởng từ xã hội, hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Cần tăng cường chăm lo cho người học

Sự phát triển và định hướng phát triển của một ĐH lệ thuộc vào ý chí và nguyện vọng của chủ sở hữu và những người điều hành ĐH. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng và mong muốn rằng, ý chí và sở nguyện của lãnh đạo Nhà trường cần phải hòa đồng cùng với khát vọng lớn của dân tộc - đó là khát vọng bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển.
Một khi khát vọng của Nhà trường hòa dòng cùng khát vọng của dân tộc thì khát vọng của các quý thầy/cô sẽ lớn lao lên cùng, mạnh mẽ lên cùng, và sự hòa dòng đó sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cả chung và riêng. Suy cho cùng, khát vọng lớn cho cộng đồng không có công có tư, những điều thiện lương tốt lành cũng không có công có tư, chỉ có tầm nhìn và sự dấn thân với các mức độ khác nhau mà thôi.
Với trường công, có những việc là đương nhiên bởi đó là trách nhiệm trong hệ thống công, nhưng với trường tư, sự tự nhiệm, sự gánh vác với việc phát triển con người, phát triển đất nước phụ thuộc vào sự lựa chọn và cái tâm của những người chủ sở hữu và của tập thể lãnh đạo nhà trường. Tôi tin tưởng rằng, ĐH Duy Tân sẽ là một ĐH ngoài công lập phát triển với những tinh thần tốt đẹp nhất như sở nguyện ban đầu của người sáng lập đại học.

Rất mong các quý thầy cô có chí lớn, khát vọng lớn, tầm nhìn lớn. Chỉ có chí lớn, khát vọng lớn, khát vọng chân chính mới đưa sự nghiệp của một người, một tập thể đi tới kết quả lớn, thành tựu lớn.

z6018300785073-d532c48b9c13bcc847bf04763f711c2c.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm 30 năm Trường ĐH Duy Tân và Công bố quyết định trở thành ĐH Duy Tân

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, cái tên của ĐH chúng ta là Duy Tân, dù dụng ý của người chọn nó xuất phát từ ý tưởng gì, nó vẫn mang một hàm nghĩa đổi mới và khai sáng. Cái tên Duy Tân nhắc chúng ta nhớ lại tinh thần và khát vọng canh tân đất nước từ phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX.
Từ trong đêm tối của thời mất nước và lạc hậu, những người trí thức yêu nước đã khát khao chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí, bồi đắp nhân tài để làm cho đất nước tự do và phát triển. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển nhanh và mạnh mẽ với nhiều cơ hội, với thế và lực mới. Người dân Việt Nam ta hiếu học và nhu cầu học tập rất lớn.
Những cơ hội phát triển của đất nước cũng chính là cơ hội cho các trường ĐH. Mong ĐH Duy Tân nắm bắt được thời cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển và chất lượng của sự phát triển. Mong Nhà trường quan tâm nhiều hơn tới các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn, những ngành mà đất nước rất cần cả trước mắt và lâu dài, với cả những ngành phải đầu tư nhiều nhưng lâu thu được kết quả.

Trong số các nhân tố mà Nhà trường phấn đấu và phát triển trong thời gian tới, mong lãnh đạo Nhà trường chú ý tới việc phát triển đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học, vừa giỏi chuyên môn, trách nhiệm xã hội, trong sáng, liêm chính trong học thuật và là hình mẫu con người thời đại mới cho học sinh noi theo. Những trí thức chân chính thì bất kỳ trong môi trường nào, công hay tư cũng đều là những con người mẫu mực và tiên phong của thời đại và gánh vác trách nhiệm trước dân tộc.
Tinh thần của người anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Công Cơ đang dẫn dắt nhà trường cần trở thành tinh thần chung của cả tập thể đơn vị. Nhà trường cần tăng cường chăm lo và hỗ trợ cho người học, tạo sự gắn bó của người học với nhà trường, thông qua những gì tốt đẹp mà người học cảm nhận về nhà trường để thấy cái tốt đẹp của con người, xã hội và đất nước ta. Làm được như vậy, ý nghĩa của tinh thần Duy Tân sẽ tỏa sáng trong thời đại mới.

Tôi chúc cho ĐH Duy Tân không ngừng phát triển, phát triển nhanh và thành công. Tôi mong ĐH của chúng ta thành công. Vì thành công của ĐH ta góp phần vào thành công của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục thành công góp phần vào sự thành công của cả dân tộc.

Về phía Bộ GDĐT, với trách nhiệm quản lý nhà nước, sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ và kiểm tra giám sát Nhà trường. Thông qua hoạt động kiểm tra giám sát để hỗ trợ Nhà trường tiếp tục và không ngừng lớn mạnh.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT trân trọng cảm ơn và mong Thành ủy, UBND và các cấp chính quyền của TP. Đà Nẵng, các tỉnh thành, các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, cùng hỗ trợ, đồng hành để phát triển Đại học Duy Tân.

Nhân dịp gần tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2024, Bộ trưởng kính chúc các quý thầy cô lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể các nhà giáo lời chúc mừng, lời chúc sức khỏe, chúc hạnh phúc và thành công. Đồng thời, chúc tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học, thầy/cô giáo người lao động, cùng toàn thể học viên, sinh viên ĐH Duy Tân tất cả đều được phát triển cùng ĐH Duy Tân.

4

Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng
Giáo dục

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển
Giáo dục

Học viện Ngoại giao tròn 65 năm thành lập và phát triển

Ngày 2.12, Học viện Ngoại giao tổ chức lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập. Trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển Học viện là cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo
Giáo dục

Tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải công bố ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo

Đây là một trong những điểm mới trong Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18.1.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Thử nghiệm dạy và học môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh
Giáo dục

Thử nghiệm dạy và học môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đã nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học với cấp Trung học cơ sở và môn Sinh học với cấp Trung học phổ thông bằng tiếng Anh. Với sự hỗ trợ của công nghệ, những bộ tài liệu số, tài liệu cập nhật trí tuệ nhân tạo, sẽ hỗ trợ thầy cô thuận lợi hơn khi giảng dạy các môn học này bằng tiếng Anh.