Giám sát thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018:

Bộ trưởng GD-ĐT: Nghiêm túc giải trình, không né tránh các vấn đề giáo dục phổ thông 2018

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giám sát thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là việc rất lớn, rất hệ trọng mà toàn ngành đang làm, đang thực hiện một trách nhiệm giải trình với xã hội.

Tinh thần nghiêm túc, cầu thị

Tại cuộc họp trực tuyến với các sở GD-ĐT về giám sát thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sáng 7.2, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thông tin về tình hình thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) địa phương. Nhìn chung, các Sở GD-ĐT đều chủ động, sẵn sàng, đón đoàn giám sát với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, giải trình và tiếp nhận ý kiến nhận xét, đánh giá để tiếp tục triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Trước đó, 63 tỉnh, thành đã hoàn thành báo cáo về triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 gửi Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT tổng hợp báo cáo gửi Chính phủ và báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 cũng đã được gửi đến Quốc hội.

Giúp xã hội hiểu đầy đủ, toàn diện hơn về giáo dục -0
Bộ trưởng Bộ GD-ĐTNguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với các sở GD-ĐT về giám sát thực hiện CT GDPT 2018.

Trao đổi với 63 Sở GD-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Chương trình GDPT 2018 là một trọng tâm của triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29. Những năm tháng vừa qua, đặc biệt 5 năm gần đây, toàn ngành đã thực hiện nhiều việc, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Hơn 1 triệu nhà giáo đã miệt mài bỏ công sức để triển khai chương trình mới.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc giám sát thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là việc rất lớn, rất hệ trọng mà toàn ngành đang làm, đang thực hiện một trách nhiệm giải trình với xã hội.

“Chúng ta cần nhận thức hết được tầm quan trọng của các báo cáo, các giải trình, các trao đổi, việc đón đoàn giám sát và các kết luận sẽ được đưa ra” - Bộ trưởng lưu ý và cho rằng: Đây là việc cần làm để thông qua đó, Quốc hội, người dân, cử tri, hiểu được đầy đủ, sâu hơn, toàn diện hơn về những gì toàn ngành Giáo dục làm.

Giải trình, báo cáo, thực hiện việc phục vụ giám sát nếu làm tốt sẽ giúp xã hội hiểu hơn về công việc của ngành Giáo dục. Ngược lại, bao công sức đã làm, xã hội không hiểu đến, không hiểu đủ, có thể dẫn đến cái nhìn sai lệch, thậm chí ảnh hưởng đến những chính sách trong thời gian sắp tới với ngành giáo dục.

Cung cấp thông tin đầy đủ để giám sát đúng, trúng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị Giám đốc các Sở GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp báo cáo với lãnh đạo địa phương, với đoàn giám sát. Cần cử người phù hợp, thực sự am hiểu công việc để đưa đoàn giám sát đến các trường học. Làm sao để đoàn giám sát giám sát được một cách khách quan nhất, đầy đủ nhất, thấy được chiều sâu nhất những gì chúng ta đang làm.

Cũng liên quan đến quan điểm chỉ đạo, theo Bộ trưởng, trong báo cáo, giải trình, trao đổi, cần nhấn mạnh đổi mới theo Chương trình GDPT 2018 là việc rất lớn, rất khó. Đổi mới là một quá trình và hiện nay công cuộc này vẫn đang trong quá trình triển khai. Kết quả đổi mới trong giáo dục có khi nhiều năm sau mới nhìn thấy được. Bởi vậy nhiều vấn đề chưa nên nhận định vội về kết quả mà cần làm rõ đang làm được đến đâu, đã làm được những gì...

Bộ trưởng nói rõ: Báo cáo thực hiện theo mẫu, theo yêu cầu, nhưng cũng phải nhấn mạnh, đi sâu vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, như: Chủ động của nhà trường cần thực hiện đến đâu? Nhà giáo cần đổi mới điều gì, cần khác gì trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn so với trước đây? Các nơi có điều chỉnh gì về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá? Quan điểm mới đối với SGK? Việc sử dụng SGK như thế nào? Chúng ta đã thực hiện quy trình trong chọn SGK ra sao?... Để chính các nhà giáo lên tiếng về việc thầy cô đã có gì mới, có hào hứng, thấy tốt, thấy hay trong quá trình thực hiện chương trình mới hay không? Địa phương, các sở GD-ĐT đã tập huấn giáo viên như thế nào?…

Giúp xã hội hiểu đầy đủ, toàn diện hơn về giáo dục -0
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Đánh giá khách quan, không né tránh những gì còn khó khăn, còn vướng, nhưng cũng không biến việc nhỏ thành lớn. Trong trao đổi với truyền thông cũng vậy, cần tập trung nhiều vào vấn đề sâu, chuyên môn, không phải chỉ một vài vấn đề nổi lên theo dư luận.

Trong các khâu này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến vấn đề nhà giáo và nhận định: Áp lực của sự thay đổi trong Chương trình GDPT 2018 đặt lên nhà giáo rất nhiều. Lực lượng cần đổi mới nhất cũng là nhà giáo. Quyết định mức độ thành công của đổi mới cũng là sự đổi mới của nhà giáo được đến đâu. Đây là lực lượng cần hỗ trợ, quan tâm nhất.

“Khi đưa đoàn giám sát xuống cơ sở, người đứng ra báo cáo, đối tượng quản lý là một phần, nhưng nên để thầy cô trực tiếp giảng dạy lên tiếng một cách khách quan nhất, nói được đúng, được hết các trải nghiệm của mình”, Bộ trưởng đề nghị.

Nội dung tiếp theo được Bộ trưởng nhấn mạnh là kết luận của các đoàn giám sát. Theo đó, trong kết luận này, những gì chưa phù hợp, chúng ta phải giải trình; những gì chưa phản ánh hết phải cố gắng bổ sung để có được các kết luận khách quan nhất. Đây cũng là dịp chúng ta kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những vấn đề về cơ sở vật chất; đầu tư tài chính; về chính sách, kể cả chính sách vĩ mô, các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác… Để khi tổng hợp lại sẽ có sức nặng từ nhiều tỉnh thành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời lưu ý địa phương tầm quan trọng của việc thông tin đến các ĐBQH đầy đủ về Chương trình GDPT 2018. Tỉnh, thành còn thời gian có thể tổ chức buổi thông tin trao đổi về Chương trình với đoàn ĐBQH địa phương, giúp ĐBQH hiểu sâu về chương trình, từ đó giám sát đúng, trúng. Cùng với đó, Bộ trưởng lưu ý thêm về sự chuẩn bị của 8 địa phương đón đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như công tác truyền thông về nội dung này.

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.