Chiều 15.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục có cuộc gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học trên cả nước, trong chương trình "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".
Vẫn còn nhiều ý kiến hiểu sai lệch về tự chủ đại học
Tại chương trình, một số giảng viên bày tỏ suy nghĩ về vấn đề các trường đại học đang gặp khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học.
Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, tự chủ đại học là câu chuyện Việt Nam đã thực hiện từ hơn 30 năm trở lại đây, với sự khởi đầu là sự ra đời của hai đại học quốc gia, với hình thức tự chủ và những quyền tự chủ đầu tiên. Sau đó, những trường đại học khác trong vòng 10 năm trở lại đây tiếp tục triển khai. Đến hiện nay, có rất nhiều trường đại học đã tự chủ rất cao.
Theo Bộ trưởng, một trong những điểm vướng, điểm khó chúng ta hay nhắc đến trong tự chủ đại học là vấn đề thể chế, các quy định.
Bộ luật quan trọng, là cơ sở cho tự chủ đại học là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (thường gọi là Luật 34) đã quy định rất rõ ràng. Nghị định số 99 hướng dẫn thi hành bộ luật này cũng đã nêu rất nhiều nội dung chi tiết để thực hiện quyền tự chủ.
Tuy nhiên, vẫn có những sự xung đột, chồng chéo, chưa tương thích, chưa đồng bộ trong hệ thống các bộ luật khác của các cơ quan, bộ, ngành khác, khiến cho những quyền tự chủ của trường đại học rất khó được thực hiện một cách đầy đủ.
“Đây là một câu chuyện sẽ còn cần phải có một quá trình điều chỉnh. Riêng Nghị định 99 thì trong năm 2023, chúng ta đang điều chỉnh Nghị định này trong phạm vi của mình để có thể tháo gỡ được những cái vướng. Theo kế hoạch, đến năm 2024, có thể Chính phủ và Quốc hội sẽ giao cho chúng ta việc xem xét để sửa đổi đối với Luật 34. Đây cũng là dịp chúng ta điều chỉnh từ góc độ thể chế để tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hơn, có chiều sâu hơn và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học hơn”, Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng cũng cho rằng, một điểm khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ là sự hiểu về vấn đề tự chủ từ những người triển khai, từ các cơ sở giáo dục. Có nơi tìm hiểu chưa hết nên không dám làm hết, có nơi lại hiểu theo nghĩa “tự chủ là thích làm gì thì làm”. Những cách hiểu đó đều đem lại sự sai lệch trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đến thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất một quan điểm rằng tự chủ không phải là tự túc và tự chủ không phải là phó thác cho việc các trường tự phải lo liệu về mặt kinh phí.
“Tự chủ đối với giáo dục vẫn là cần được đầu tư. Nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào thì đầu tư, đầu tư theo cách gì thì có thể nói vẫn còn đang là một câu chuyện mà chúng ta tiếp tục phải kiến nghị chính sách. Những vấn đề tự chủ về học thuật, về tài chính cũng phải có những điều chỉnh để chúng ta làm tốt hơn việc tự chủ trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng cho hay.
Cần đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ
Theo Bộ trưởng, hiện nay, giáo dục đại học đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng, nhất là từ khi triển khai tự chủ đại học theo quy định.
So với 10 năm trước, số lượng sinh viên của chúng ta tăng xấp xỉ 40%. Hiện nay, Việt Nam có gần 2,1 triệu sinh viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng khá trong vài năm gần đây sau giai đoạn đi xuống, đang cho thấy sự gia tăng trở lại của niềm tin người học và xã hội về chất lượng đào tạo.
Các số liệu thống kê, khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy sự cải thiện chất lượng trên diện rộng. So với 10 năm trước, số lượng giảng viên tăng khoảng 30%, cũng là con số gia tăng đáng kể.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần, hiện đã đạt gần 32%. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chỉ số này còn thấp (một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt đến từ 50% trở lên). “Con số 32% của chúng ta là một con số còn rất khiêm tốn và đặt ra cho chúng ta nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng nói.
Số các công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng gần gấp 5 lần so với 10 năm về trước, tuy nhiên so với bình quân trên đầu người vẫn còn khá thấp trên bản đồ công bố thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đưa ra những con số nói trên để thấy rằng sau 10 năm, ngành giáo dục của chúng ta đã có một bước phát triển rất dài. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu của phát triển khoa học và công nghệ kỹ thuật, tốc độ phát triển này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi những điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa thì một là sẽ chậm lại trong tốc độ phát triển, hai là sẽ rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao của các trường, một số ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. Do đó, câu chuyện chúng ta cùng nhau tháo gỡ những điểm thắt nút được xem là công việc rất quan trọng”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Theo đó, cần sớm hoàn thành việc quy hoạch và sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cần đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Cần đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường đại học, có sự cải thiện về nguồn tài chính và ngân sách cho giáo dục đại học.
Hiệu trưởng hay Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu các trường đại học?
Tại cuộc gặp gỡ, nhiều ý kiến giảng viên đặt câu hỏi về vai trò của Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường ở trường đại học như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, rất nhiều người đặt ra câu hỏi “ai là người đứng đầu các trường đại học?”. Câu hỏi này chưa có văn bản trả lời chính thức của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, Bộ trưởng lý giải, nếu nói một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân ấy không ai khác là Hiệu trưởng.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, là người giữ con dấu, phụ trách về tài khoản. Khi cần gọi đến một trường học làm việc, chúng ta sẽ gọi Hiệu trưởng. Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, trong đó Chủ tịch là thành viên điều hành Hội đồng. Như vậy, hai cá nhân Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường sẽ ký những văn bản khác nhau, Chủ tịch Hội đồng trường ký thay mặt Hội đồng trường.
“Quyền lực của Hội đồng là quyền lực tập thể, Chủ tịnh Hội đồng trường là một phiếu trong cơ chế tập thể. Hội đồng trường là tổ chức có quyền lực cao nhất, quyết định việc chọn Hiệu trưởng. Nhưng khi đã chọn ra Hiệu trưởng rồi, Bộ GD-ĐT đã công nhận thì lúc đó Hiệu trưởng xét về phương diện vai trò cá nhân là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động của nhà trường", Bộ trưởng lý giải thêm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là cả phía Hội đồng trường và Ban giám hiệu cần làm đúng vai, mỗi người một chức năng, nhiệm vụ. Hội đồng giải quyết công việc bằng các nghị quyết của tập thể Hội đồng, hoạt động định kỳ, xử lý công việc do Ban giám hiệu trình, vai trò tương tự như Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
“Nói như vậy không có nghĩa Chủ tịch Hội đồng trường là vai trò nhỏ. Việc Hội đồng đưa ra các phán quyết, đưa ra các ý kiến, lựa chọn là cực kỳ quan trọng. Nhưng về mặt quyết định mang tính cá nhân thì vẫn phải nói rằng người nào cầm con dấu, phụ trách tài khoản, đó là người chịu trách nhiệm cao nhất trong một trường đại học. Đây không phải câu chuyện “quyền anh, quyền tôi” mà là mỗi người có một vai trò riêng, cả hai đều rất quan trọng trong triển khai hoạt động của một nhà trường”, Bộ trưởng nói.
Nhắn nhủ tới các nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng chia sẻ, dù mức độ tự chủ khác nhau, các nhà giáo cũng cần tìm hiểu sâu thêm và thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của đại học đối với một giảng viên.
“Tự chủ của đại học là đối với tổ chức, nhưng đối với giảng viên cũng cần những phương tiện tự chủ của người giảng viên, phải hiểu và phát huy cho được điều này. Chúng ta cần tham gia tích cực trong việc xây dựng các quy tắc, nguyên tắc hoạt động nội bộ, những định hướng chiến lược của nhà trường cũng như lựa chọn định hướng về chuyên môn, về chương trình đào tạo, về các chính sách tuyển sinh,…
Tự chủ không chỉ dừng ở Hội đồng trường, ở hệ thống quản lý mà tự chủ phải xuống đến cấp Khoa, các bộ môn tới tận giảng viên, đến từng nhà khoa học. Đây là việc quan trọng để phát triển lực lượng các nhà khoa học và giải phóng sức sáng tạo, xây dựng một môi trường thuận lợi cho các nhà giáo làm việc”, Bộ trưởng nói.