Phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho địa phương
Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp với kết quả như sau:
Thứ nhất: đã đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật với những điểm đổi mới, đột phá, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cụ thể:
Tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu thông qua việc giảm đối tượng phải thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, mở rộng đối tượng công trình thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp GPXD, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho địa phương; xã hội hóa công tác cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, hạng III, công tác sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho tổ chức xã hội nghề nghiệp; thí điểm phân cấp cho UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc TW (Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An) thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ QHC xây dựng thuộc thẩm quyền của TTCP.
Tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; Tích hợp, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ… với thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng để rút ngắn thời gian thẩm định; mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinhdoanh
Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bãi bỏ 14 Thông tư quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62%).
Từ đầu năm 2021 đến nay, đã tiếp tục bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12.5.2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, theo đó, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ từ 5.2020 đến nay đã được cắt giảm 26,5%.
Bộ đã thực hiện chuyển đổi việc kiểm tra chuyên ngành sang hình thức hậu kiểm; một số sản phẩm, hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng; cắt giảm 52% sản phẩm, hàng hóa VLXD phải kiểm tra; quy định rõ thời điểm kiểm tra đối với từng sản phẩm, hàng hóa; giảm thời gian lưu kho bãi tại hải quan.
Thứ hai, Bộ đã xây dựng, trình và được TTCP phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2021 và 2022 (Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22.11.2021), trong đó, yêu cầu sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng (Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30.8.2022), trong đó, tiếp tục đề xuất phân cấp 4 thủ tục hành chính từ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành về cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để thực thi các Phương án nêu trên, trong đó, trọng tâm là: tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số ngành Xây dựng, đáp ứng với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19 và các tình huống khác phát sinh trên thực tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Xây dựng đề xuất thực thi đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền theo yêu cầu tại Quyết định số 1963 và Quyết định số 1015 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9.2022.
Thứ ba, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang cung cấp 43 TTHC theo thẩm quyền của Bộ. Trong đó có 35 TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, có 4 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3; 4 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 2. Bộ đã hoàn thành xây dựng đồng bộ nền tảng, hạ tầng phục vụ công tác giải quyết TTHC trực tuyến hoàn toàn trên môi trường mạng để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến tại Bộ Xây dựng còn chưa cao. Từ đầu năm 2022 đến hết ngày 14.9.2022 Bộ Xây dựng tiếp nhận 15.347 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, số hồ sơ gửi trực tuyến là 2.215 hồ sơ, đạt tỷ lệ khoảng 14,5%. Tỷ lệ này còn thấp so với yêu cầu về cải cách hành chính và chuyển đổi số của Bộ Xây dựng cũng như yêu cầu về đẩy mạnh cung cấp, giải quyết TTHC trực tuyến của Chính phủ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân, doanh nghiệp còn có thói quen nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tiếp. Ngoài ra, do đặc thù của ngành Xây dựng, nhiều TTHC có thành phần hồ sơ với số lượng, khối lượng, kích thước lớn, bao gồm cả các bản vẽ kỹ thuật khổ lớn nên rất khó khăn trong việc số hóa và quản lý dung lượng số khi nộp trực tuyến. Tính chất pháp lý của các văn bản, hồ sơ được số hóa còn chưa được quy định rõ ràng; cách thức khai thác kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại nhiều TTHC cũng chưa được pháp lý hóa cụ thể. Bộ Xây dựng sẽ triển khai các giải pháp từng bước khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp
Có được kết quả này, Bộ đã quán triệt kịp thời, thường xuyên các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và yêu cầu cải cách Thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động đề xuất cải cách quy định kinh doanh của ngành Xây dựng. Hiện nay, bên cạnh việc đề xuất các nội dung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng theo các kết quả rà soát, tổng kết và đánh giá thực tiễn, Bộ Xây dựng cũng đang triển khai nghiêm túc các nội dung liên quan đến Bộ Xây dựng tại Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương giám sát việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2016-2021.
Cùng với đó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, người dân để lắng nghe những phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện chính sách pháp luật, quy định kinh doanh ngành xây dựng. Gắn kết công tác xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật để bảo đảm quy định pháp luật được ban hành có tính khả thi cao và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thực thi nghiêm túc pháp luật và qua đó nắm bắt các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý làm cơ sở cho việc đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật và cải cách quy định kinh doanh.
Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về: quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý và phát triển đô thị; cấp thoát nước; quản lý không gian ngầm; đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng các mục tiêu: tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; giải quyết các vấn đề bất cập trên thực tiễn; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.