Bộ trưởng Bộ Công thương làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc

- Thứ Ba, 07/09/2021, 21:02 - Chia sẻ
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Áo, ngày 6.9, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) Li Yong trao đổi về các dự án hợp tác giữa Bộ Công thương và UNIDO trong thời gian qua và việc định hướng, triển khai các dự án kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định là tổ chức có chuyên môn về phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc, UNIDO đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ giai đoạn phát triển tiếp theo công nghiệp của Việt Nam và mong rằng Bộ Công thương sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực từ UNIDO trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tổng giám đốc UNIDO
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc

Với tình hình đại dịch Covid - 19 vẫn diễn ra phức tạp như hiện nay, UNIDO đã và đang đứng trước những thách thức lớn hơn bao giờ hết để hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Trước mắt là chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và sau đó là việc phát triển công nghiệp theo hướng bền vững cho sự phục hồi cho thời kỳ hậu Covid - 19.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương mong UNIDO tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực, cụ thể như sau: Hợp tác hỗ trợ Bộ Công thương xây dựng Luật phát triển công nghiệp, trong đó có tính đến các xu thế mới của công nghiệp chế biến chế tạo (phát triển bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, Cách mạng công nghiệp 4.0...); nâng cao năng lực hoạch định chính sách công nghiệp phù hợp với bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hỗ trợ Việt Nam một cách tổng thể theo mô hình Chương trình quốc gia.

Cùng với đó là hỗ trợ đánh giá tác động của Công nghiệp 4.0 đối với các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam như: Dệt may, da giày, điện tử....; xây dựng mô hình phát triển bền vững dựa trên nền công nghiệp xanh và hiệu quả năng lượng, ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và nâng cấp chuỗi giá trị, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (với công nghệ và kỹ năng thấp); phát triển những ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam như công nghiệp vật liệu, hóa chất, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.

Tổng giám đốc UNIDO đánh giá cao sự hợp tác với Bộ Công thương tại Việt Nam và cam kết UNIDO sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các đơn vị đầu mối trong Bộ triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt là Chương trình quốc gia.

Thời gian qua, UNIDO đã có một số điển hình trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Công thương. Trong đó, UNIDO đã phối hợp với đầu mối của Bộ là Cục Công nghiệp triển khai dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế”. UNIDO đã phối hợp với Cục Công nghiệp tổ chức các khoá đào tạo cho các cán bộ công chức, viên chức của Bộ Công thương và các Bộ, ngành khác để có thể làm chủ được bộ công cụ phân tích đánh giá chính sách, tính toán và hiểu được hàm ý chính sách của các chỉ số cạnh tranh công nghiệp để có thể ứng dụng các công cụ này trong quá trình hoạch định chính sách, để các chính sách công nghiệp của Việt Nam có căn cứ thực tiễn hơn, cơ sở khoa học hơn. Năm 2019, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với UNIDO giới thiệu Sách trắng đầu tiên về Công nghiệp Việt Nam. Ngoài ra UNIDO cũng đã hỗ trợ một số dự án khác nhằm thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam; giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm lượng phát thải khí nhà kính...

Phạm Thúy