Chất lượng phải đặt lên hàng đầu
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tổ chức 12 phiên họp thường kỳ, 2 phiên họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).
Cho rằng, công tác chuẩn bị, xây dựng chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH ngày càng bài bản, công phu, với cách làm mới, đó là, gửi các cơ quan đăng ký nội dung để đưa vào chương trình, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, nội dung của các phiên họp rất nhiều, thậm chí có khả năng phát sinh, nhưng thời hạn của từng phiên họp thì rất ngắn. Ngay như phiên họp tháng 1.2024 dự kiến có 2 ngày (10 – 11.1.2024, dự phòng ngày 12.1) nhưng lại có đến 12 nội dung, như vậy e là rất khó. Trong khi đó, phiên họp tháng 1 tới cũng là phiên họp có nhiều nội dung quan trọng như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết Quy hoạch không gian biển quốc gia… Do vậy, thời gian từng phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần được tăng lên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, dự kiến UBTVQH phải thông qua 56 Nghị quyết quan trọng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc thông qua các Nghị quyết này cũng mất rất nhiều thời gian, phải tập trung giải quyết trong quý III, quý IV năm 2024. Thậm chí, có khả năng, UBTVQH phải họp cả thứ bảy, chủ nhật để giải quyết công việc. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc rất khẩn trương. Cho nên, ngoài chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH, cần cụ thể hóa thành chương trình quý, nội dung gì chưa chắc chắn trình UBTVQH thì đưa vào phụ lục riêng. Những nội dung đã chắc chắn, có trong chương trình chính thức thì quy định rõ vào danh mục của từng phiên họp.
Một nguyên tắc được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đó là, các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm, kỳ họp cuối năm, trước khi trình Quốc hội nhất định phải được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Như vậy, các dự án luật này phải được trình UBTVQH thảo luận 2 lần. Lần thứ nhất, trước khi trình dự án luật, dự thảo Nghị quyết tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, UBTVQH phải cho ý kiến. Sau khi trình dự án luật dự thảo Nghị quyết tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thì tiếp tục chỉnh lý, báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến, sau đó trình Quốc hội. Cách làm này có thể vất vả hơn, nhưng chất lượng sẽ tốt hơn.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và được UBTVQH cho ý kiến 2 lần, sau đó, giữa hai đợt họp Quốc hội, UBTVQH lại cho ý kiến (tức là 3 lần) – vấn đề này phải trở thành nguyên tắc rõ ràng. Trên cơ sở chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì biểu quyết càng cao, còn cứ lơ mơ, giải trình không rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình không thuyết phục thì chắc chắn là tỷ lệ sẽ thấp hơn.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ “tuy hai mà một”, cần đốc thúc, nhắc nhở nhau
Cũng liên quan tới phiên họp tháng 1 tới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần hết sức tập trung để bảo đảm chất lượng của các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), vì thời gian còn chưa đầy 1 tháng, trong khi đây là những dự án luật có nhiều vấn đề khó.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo lại với Chính phủ và 2 cơ quan có liên quan trực tiếp đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế. “Chúng tôi rất lo không bảo đảm tiến độ và chất lượng vì nhiều vấn đề cần phải làm rõ thêm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch không gian biển quốc gia, đến bây giờ vẫn chưa gửi hồ sơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thẳng thắn, như vậy sẽ rất khó để xem xét, cho ý kiến trong phiên họp tháng 1 tới. Chính phủ cần hết sức cân nhắc để bảo đảm đưa nội dung này vào phiên họp tháng 1, nếu không bảo đảm chất lượng thì cân nhắc thời điểm phù hợp hơn.
Nêu thực tế, các đề nghị xây dựng luật bổ sung vào chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH, trừ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là do cơ quan của Quốc hội chuẩn bị, chủ động về mặt thời gian, còn các cơ quan khác chỉ đề nghị mà chưa có hồ sơ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề xuất, nội dung nào chưa có hồ sơ chỉ ghi nhận, chứ không đưa vào chương trình công tác năm 2024, bao giờ có đầy đủ hồ sơ mới bổ sung vào chương trình chính thức.
Cho rằng, việc điều chỉnh chương trình công tác là đương nhiên do dự kiến và thực tiễn khác nhau, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc điều chỉnh chương trình quá nhiều, thậm chí theo hàng tháng là trách nhiệm đầu mối của các Ủy ban, cần rút kinh nghiệm để phối hợp với các cơ quan của Chính phủ. “Sau này có lẽ phải kiểm điểm lại theo từng tháng, bao nhiêu đầu việc chậm, phải điều chỉnh, do bộ phận nào chịu trách nhiệm”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ “tuy hai mà một” cần đốc thúc, nhắc nhở nhau.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, các ý kiến cơ bản nhất trí với nguyên tắc, cách thức xây dựng dự kiến Chương trình, đồng thời cho rằng dự kiến chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm. Các nội dung được bố trí trong từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của UBTVQH, đều là các nội dung cụ thể hóa từ các văn bản quan trọng, có tính chất định hướng trong thời gian tới, thực hiện theo các quy định của các luật, nghị quyết có liên quan… Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề cơ bản, căn cứ theo chương trình công tác năm và phải xây dựng thành kế hoạch quý; tính toán, sắp xếp, bố trí nội dung, thời gian hợp lý của từng phiên họp, nhất là phục vụ cho những nhiệm vụ phải mất nhiều thời gian như cho ý kiến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, vấn đề xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và kỳ họp bất thường (nếu có).