Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững

Bố trí đủ nguồn vốn thực hiện

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:31 - Chia sẻ
Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV thay vì phạm vi rộng (bao gồm cả an sinh xã hội) như đề xuất ban đầu của Chính phủ. Thống nhất vấn đề này, tại Phiên họp thứ 58 vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý phải bố trí đủ nguồn vốn thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13.7
Ảnh: Hồ Long

Thu gọn mục tiêu để đầu tư trọng điểm hơn

Chính phủ đề xuất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị rút gọn tên và phạm vi điều chỉnh của Chương trình tập trung vào giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là “tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững” và Chỉ thị số 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Nhìn ở góc độ tài chính, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, việc bổ sung nội dung an sinh xã hội vào tên gọi của Chương trình như đề xuất của Chính phủ gắn liền với việc mở rộng mục tiêu thực hiện. Bên cạnh mục tiêu giảm nghèo như giai đoạn hiện nay, theo đề xuất của Chính phủ, sẽ bổ sung mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và lao động, việc làm, trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, các mục tiêu của chương trình trên thực tế là tích hợp giữa việc tiếp nối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục thực hiện hai chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì (Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020). Với đặc điểm này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần thu gọn các mục tiêu của Chương trình, tập trung giải quyết vấn đề giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Việc thu gọn các mục tiêu của Chương trình cũng sẽ giúp đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hơn. 

Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhận thấy, cần bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình theo từng chiều của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (mức độ thiếu hụt 6 dịch vụ xã hội cơ bản với 12 chỉ số đo lường). Nghiên cứu việc đưa đồng thời chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm hộ cận nghèo để bảo đảm thực hiện đúng, đủ, hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm; điều chỉnh mục tiêu giảm nghèo “vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm trên 3%/năm” thành “tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%” để thống nhất với Nghị quyết số 88 của Quốc hội về triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Rà soát nội dung trùng lặp chi thường xuyên

Với tên gọi, đối tượng thụ hưởng, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình được thu gọn hơn, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng cho rằng, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ có thể giữ lại một phần của hai dự án phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, liên quan trực tiếp đến hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững cho địa bàn nghèo và người thuộc hộ nghèo, trợ giúp xã hội cho người nghèo không có khả năng lao động. Các nội dung chính của hai dự án nêu trên được đề nghị chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí đủ nguồn vốn thực hiện từ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm, cơ sở cai nghiện và trợ giúp xã hội khác là ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; các dự án thuộc các chương trình mục tiêu có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm nhưng còn thiếu vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 các dự án có mục tiêu giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp thuộc chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, các dự án có mục tiêu xã hội thuộc chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động. Ngoài ra, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Chính phủ sẽ bố trí đủ vốn cho các dự án thuộc 21 chương trình mục tiêu được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025.

Dù giảm nội dung, song Ủy ban về các vấn đề Xã hội vẫn tán thành bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho Chương trình đã được Chính phủ đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 20.000 tỷ đồng, trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, dinh dưỡng, người nghèo không có khả năng lao động. Các nội dung an sinh xã hội được chuyển ra khỏi Chương trình sẽ được bố trí kinh phí đủ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Việc bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho Chương trình sẽ giúp thực hiện bổ sung các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của cơ quan chủ trì thẩm tra. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, cần phân bổ vốn cho các dự án thành phần phù hợp, đặc biệt phải rà soát các nội dung trùng lặp với hoạt động chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước để đưa ra khỏi Chương trình. Đặc biệt, phải quán triệt tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún, phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Lê Bình