Làm rõ nguyên tắc xác định những nội dung thuộc thẩm quyền
Về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu đồng tình cao với định hướng lãnh đạo của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội. Theo đó, xây dựng các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài; những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đây là vấn đề rất lớn, quan trọng cần phải tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động. Để triển khai tốt định hướng đổi mới này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cần làm rõ nguyên tắc xác định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nội dung phân cấp cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương; đồng thời, quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương khi ban hành các quy định chi tiết thi hành vì số lượng văn bản cần phải ban hành sẽ rất nhiều.
Bảo đảm an toàn, an cư lạc nghiệp
Góp ý về chính sách đầu tư, hỗ trợ phòng chống, khắc phục thiên tai các tỉnh miền núi trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, đại biểu nhấn mạnh thực tế: Những năm gần đây, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo, mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước, nhất là các tỉnh miền núi. Mặc dù đã nỗ lực thực hiện công tác dự báo, phòng tránh, khắc phục nhưng thiệt hại gây ra vẫn rất lớn và dự báo tiếp tục diễn ra ngày càng phức tạp hơn.
Đối với các tỉnh miền núi, hiện nay Nhà nước đã có chính sách ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm. Mặc dù đã có ưu tiên xong nguồn kinh phí thực hiện mục tiêu này rất hạn hẹp, trong khi xuất đầu tư cho thực hiện dự án ổn định dân cư vùng này rất cao, từ vài chục tỷ đến 100 tỷ đồng cho một dự án. Mặt khác, hầu hết các tỉnh trong khu vực này chưa tự cân đối được ngân sách.
Đại biểu trăn trở: Việc bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài cần phải được quan tâm sớm. Theo báo cáo Chính phủ, hiện nay có 11.141 hộ đang trong vùng có nguy cơ rất cao bị sạt lở, sập đổ, trôi, vùi lấp cần thực hiện bố trí tái định cư ngay trong năm 2024 – 2025. Chỉ riêng tỉnh Lai Châu, đã có 55 điểm, trên 2 nghìn hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cần phải di chuyển.
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách này trong thời gian qua để ban hành một chính sách tổng thể hơn, bố trí đủ nguồn lực để giải quyết dứt điểm trong năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 đối với các khu vực nguy cơ cao sạt lở đã được các địa phương rà soát cần phải di chuyển ngay. Mục đích nhằm bảo đảm an toàn, an cư lạc nghiệp, ổn định đời sống của người dân khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của nhiều địa phương và cử tri miền núi trong thời gian qua.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo định lượng mưa phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản để chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Sớm bố trí một biên chế công chức giúp việc Đảng ủy cấp xã
Đối với việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở. Hiện nay các địa phương đang sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở để nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động hệ thống chính trị. Nhiều địa phương thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, do đó nhiều xã, phường, thị trấn có diện tích và dân số rất lớn, có nhiều chi bộ đảng và đảng viên.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ công việc ngày càng cao về xây dựng Đảng ở cấp cơ sở, nhất là công tác kiểm tra, giám sát đảng; quản lý, cập nhật hồ sơ, nghiệp vụ công tác đảng và quản lý đảng viên, công việc này hiện nay đang giao cho Phó bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm, hoặc có địa phương giao thêm cho người hoạt động không chuyên trách ở xã hỗ trợ, do đó không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, sớm bố trí một biên chế công chức giúp việc Đảng ủy cấp xã như vị trí Văn phòng cấp ủy.