Giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương

Bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh

- Thứ Năm, 14/05/2020, 07:10 - Chia sẻ
Thời gian qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương. Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh phát huy vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ của HĐND ngay từ khi định hướng giới thiệu đại biểu HĐND; bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn. Có quy hoạch đối với đội ngũ cán bộ làm công tác HĐND, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ này.

Khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi mới theo hướng khảo sát thực địa trước một bước, giám sát qua báo cáo, làm việc trực tiếp với các địa phương, đơn vị khi thấy cần thiết để bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Thông qua giám sát đã giúp cho HĐND nắm bắt tình hình chấp hành chính sách, pháp luật và phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực.


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát việc thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng tại UBND thành phố Huế
Ảnh: Mộng Cẩm

Cần tăng cường giám sát bằng hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên giải trình của Thường trực HĐND. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn đến hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng. Đây là một hình thức nối dài hoạt động chất vấn tại kỳ họp, làm cho hoạt động chất vấn thường xuyên, liên tục và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn giữa 2 kỳ họp.

Các Ban HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thẩm tra, đã nghiên cứu các quy định của pháp luật, chủ động rà soát kỹ nội dung, chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc. Đặc biệt, chú trọng đi sâu phản ánh tình hình thực tế ở từng ngành, đánh giá làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể nhằm giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, giúp cho đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp. Hoạt động chất vấn được đổi mới theo hướng tăng cường tính đối thoại, tranh luận với hình thức hỏi, đáp trực tiếp; nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được công khai chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri toàn tỉnh theo dõi, giám sát. Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND phân công các Ban HĐND tỉnh theo dõi, giám sát kết quả thực hiện kết luận chất vấn.

Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh đã theo dõi, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND; việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định; tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành tại các kỳ họp; nghiên cứu các tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng...

Từ những kết quả đạt được nêu trên có thể khẳng định, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy tốt vai trò trong giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương. Các nghị quyết giám sát của HĐND, kết luận giám sát của Thường trực và kiến nghị sau giám sát của Ban đều được UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp thu, khắc phục.

Tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ HĐND

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, đối với việc thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết, các Ban HĐND phải hết sức chủ động và linh hoạt mới hoàn thành nhiệm vụ. Bởi phần lớn báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND gửi về Ban chậm, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thẩm tra. Trên lý thuyết, các Ban HĐND tỉnh thẩm tra trình tại kỳ họp phải có các văn bản chính thức của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế các văn bản gửi cho các Ban HĐND tỉnh thường chậm và không đúng thời gian luật định, thậm chí trước kỳ họp 1 - 2 ngày mới có văn bản chính thức. Một số cơ quan được giao soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với Ban HĐND ngay từ đầu quá trình xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Đây cũng là một khó khăn, nhất là khi nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn đến chất lượng thẩm tra đôi khi còn hạn chế.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên các Ban HĐND tỉnh chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, đa số đứng đầu các cơ quan, đơn vị, mỗi thành viên chỉ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Các đại biểu HĐND tỉnh được cơ cấu từ nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị nên năng lực thực tiễn, kỹ năng phản biện, khả năng am hiểu tường tận pháp luật phục vụ các hoạt động giám sát, nhất là trong các lĩnh vực pháp chế, tư pháp, kinh tế - ngân sách và văn hóa - xã hội nhiều lúc còn hạn chế. Trong khi, các hoạt động giám sát chuyên sâu, đặc biệt lĩnh vực pháp chế, tư pháp đòi hỏi đại biểu phải am hiểu pháp luật, theo dõi diễn tiến của vụ việc liên tục mới có thể thực hiện tốt.

Hình thức, phương pháp giám sát cũng chưa được đổi mới mạnh mẽ; giám sát chủ yếu chỉ qua nghe báo cáo bằng văn bản, ít có điều kiện để kiểm chứng thông tin trong các báo cáo nên khó phát hiện được tồn tại, hạn chế, nhất là trong hoạt động giám sát các cơ quan tư pháp, việc xác định giữa yếu tố tiêu cực hay năng lực cán bộ tác động đến chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử và hiệu quả công tác khác nói chung. Còn lúng túng trong việc mời các chuyên gia tham gia giám sát trực tiếp, độc lập nên hoạt động giám sát một số chuyên đề chưa sâu, chưa hiệu quả. Việc theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát chưa được thường xuyên, liên tục.

Từ thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương, bên cạnh phát huy vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ của HĐND ngay từ khi định hướng giới thiệu đại biểu HĐND; bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn. Có quy hoạch đối với đội ngũ cán bộ làm công tác HĐND; có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước... đối với đội ngũ cán bộ này. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động bằng nhiều hình thức. 

HÀ VĂN