Bổ sung ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sinh thái

- Thứ Hai, 13/09/2021, 21:19 - Chia sẻ
Mặc dù việc ưu đãi đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái; doanh nghiệp khởi nghiệp đã được quy định tại Luật  Đầu  tư, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Vậy nhưng thực tiễn triển khai cho thấy, các quy định chưa được triển khai đầy đủ bởi mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Cần ưu đãi cho các doanh nghiệp sinh  thái

Theo quy định tại Điều 16, Luật Đầu tư, dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp sinh thái được hưởng ưu đãi tương tự như dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thông thường; khu công nghiệp sinh thái được hưởng ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư tương tự như khu công nghiệp thông thường. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 18 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thông thường và khu công nghiệp sinh thái không được hưởng ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế; các dự án đầu tư của doanh nghiệp sinh thái chỉ được hưởng ưu đãi như các dự án sản xuất, kinh doanh thông thường trong khu công nghiệp (ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư).

Tại các Điều 41, 43, 44 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, các chính sách riêng đối với khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái bước đầu được quy định, cụ thể như: được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; ưu tiên vay vốn ưu đãi; ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, so với khu công nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp thông thường, khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái đáp ứng nhiều điều kiện và tiêu chí khắt khe về kinh tế, môi trường, xã hội (tỷ lệ sử dụng hiệu quả tài nguyên, diện tích cây xanh, liên kết cộng sinh, công trình cho người lao động, giám sát phát thải, trách nhiệm xã hội,...). Chính vì vậy, cần được hỗ trợ thêm thông qua các ưu đãi về thuế, tài chính. 

Thực tế cho thấy, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được triển khai mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, đem lại nhiều tác động tích cực về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đơn cử, tại 4 khu công nghiệp thí điểm (Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Gián Khẩu tại Ninh Bình, Khu công nghiệp Hòa Khánh tại Đà Nẵng và Khu công nghiệp Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), trên 72 doanh nghiệp thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia đề xuất để khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái với vai trò là động lực tăng trưởng bền vững của khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid, cần bổ sung "doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái" vào đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 15 Luật Đầu tư.

Nguyễn Minh