Bổ sung trường hợp vi phạm được miễn trách nhiệm hình sự, khi đủ điều kiện vẫn xử phạt vi phạm hành chính
Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu đề nghị, cần bổ sung trường hợp vi phạm được miễn trách nhiệm hình sự, khi đủ điều kiện vẫn xử phạt vi phạm hành chính.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Đa số ĐBQH Tổ 15 tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Từ đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt để bảo đảm phù hợp với chủ trương tổ chức bộ máy quản lý nhà nước thời gian qua và trong giai đoạn sắp tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản, dự thảo Luật đã bám sát và cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW, Kết luận số 121-KL/TW, Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận số 127-KL/TW, Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, Kết luận số 134-KL/TW...
.jpg)
Tại Điều 1 của dự thảo về bổ sung Điều 37a quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Tuy nhiên, qua đối chiếu với các dự thảo liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi), ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhận thấy dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự không quy định cơ quan điều tra của Viện kiểm sát là cơ quan điều tra hình sự. Trong khi, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) vẫn giữ các quy định liên quan đến cơ quan điều tra của Viện kiểm sát.

Do đó, đề nghị rà soát, thống nhất quy định giữa các đạo luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ khi luật có hiệu lực.
Xem xét tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh Trưởng Công an cấp xã
Điều 2 của dự thảo Luật có quy định về vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính thì cần ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng trong thực tế, Khoản 2, Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Đồng thời, cũng quy định một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm. Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện thì các trường hợp này vẫn phải bị xử phạt vi phạm hành chính và thực tế đã có trường hợp được xử lý theo hướng này.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng để chuyển các vụ việc như vậy sang xử lý vi phạm hành chính do chưa có quy định cụ thể trong các điều khoản. Theo khoản 1, Điều 2 giải thích từ ngữ thì chỉ có trường hợp vi phạm hành chính mới tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Phân tích nội dung này, ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần bổ sung những trường hợp vi phạm được miễn trách nhiệm hình sự thì khi đủ điều kiện vẫn xử phạt vi phạm hành chính.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tại điểm b, khoản 3 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 3% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2.500.000 đồng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, thẩm quyền phạt tiền của Trưởng Công an xã như vậy còn thấp, trong khi mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước mà dự thảo Luật đưa ra cao hơn so với Luật hiện hành (ví dụ: mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội dự kiến tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; đối với lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng;…).
Bên cạnh đó, sau khi tinh gọn, tổ chức bộ máy của Công an hiện nay còn 3 cấp (bộ, tỉnh, xã), không tổ chức Công an cấp huyện; nhiều vụ việc vi phạm hành chính do Công an cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính, nếu vượt quá thẩm quyền của Trưởng Công an xã thì phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền tại Công an cấp tỉnh để xử lý.

Điều này có thể dẫn tới tình trạng quá tải trong xử lý vi phạm hành chính đối với Công an cấp tỉnh, không bảo đảm yêu cầu về thời hạn.
Do đó, để bảo đảm việc giải quyết, xử lý các vụ vi phạm ngay từ cơ sở, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, nghiên cứu, xem xét tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh Trưởng Công an cấp xã.
Đồng thời, tăng thẩm quyền phạt tiền của chức danh Trưởng phòng Công an tỉnh phù hợp với sự điều chỉnh mức phạt tối đa trong các lĩnh vực xử phạt thuộc phạm vi quản lý của lực lượng công an.