Chính trị

Bổ sung thêm quyền hạn chi ngân sách nhà nước cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội

T. Thành 17/05/2025 18:14

Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) về Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đề nghị, cần bổ sung thêm quyền hạn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc chi ngân sách nhà nước trong tình trạng khẩn cấp.

img_6238.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15

Các ĐBQH Tổ 15 tán thành việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một số ĐBQH cho rằng, đây cũng là cơ sở để tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt nam và người dân đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quy định tại Điều 19 Quốc hội có quyền quyết định dự toán ngân sách nhà nước; quyết định phân bổ ngân sách trung ương; quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước…

Điều 20 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền phân bổ, sử dụng tăng thu so dự toán, dự toán chi còn lại của ngân sách trung ương sau khi kết thúc năm ngân sách, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất…

img_6172.jpg
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể để xử lý các tình huống khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh… trong khi Quốc hội không thể họp được kịp thời. Do đó, đề nghị cân đối và cân nhắc bổ sung quyền hạn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm thời chi ngân sách nhà nước trong tình trạng khẩn cấp và phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước (khoản 10, Điều 8) dự thảo Luật quy định: “Việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, nhiệm vụ, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải phù hợp với Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ vốn từ nguồn tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách và nguồn dự phòng ngân sách nhà nước hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 58 của Luật này. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục phân bổ vốn cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích”.

Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định: “Trường hợp sử dụng vốn ngoài kế hoạch đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

img_6076.jpg
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chỉ rõ điều này, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật Đầu tư công chưa có sự thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, chưa rõ việc quyết định đầu tư dự án, nhiệm vụ ngoài kế hoạch đầu tư công (chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển khác) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công hay pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về chuyên ngành có liên quan. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhằm bảo đảm sự thống nhất.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách tại điểm d, khoản 5, Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể thủ tục, quy trình tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương khác và quy định cụ thể về quyết toán nguồn kinh phí này, tránh trường hợp kinh phí hỗ trợ quyết toán tại ngân sách địa phương của cả hai địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bổ sung thêm quyền hạn chi ngân sách nhà nước cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO