Luật – Những điểm mới

Bổ sung nhiều chính sách nhân văn để phòng, chống HIV/AIDS

- Thứ Bảy, 26/12/2020, 06:26 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã bổ sung quy định nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV. Quy định này bảo đảm người nhiễm HIV được xét nghiệm sớm, chăm sóc, điều trị liên tục trong các cơ sở giam giữ và phòng, chống lây nhiễm HIV trong các cơ sở này.

Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã bổ sung quy định các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, quy định này nhằm bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho những đối tượng này. Ngoài ra, còn bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, chi trả khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và triển khai công tác kiểm soát dịch HIV/AIDS được tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Trước thực tế tình hình dịch HIV/AIDS thay đổi về địa bàn, nhóm đối tượng, Luật cho phép mở rộng các đối tượng được ưu tiên triển khai tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm cung cấp sớm các kiến thức về HIV/AIDS, lợi ích, kỹ năng, phương pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sửa đổi các quy định truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên phương tiện thông tin đại chúng có thể thu phí theo chương trình, dự án để bảo đảm cơ chế tự chủ của các cơ quan truyền thông hiện nay.

Luật bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, quy định này bảo đảm người nhiễm HIV được xét nghiệm sớm, chăm sóc, điều trị liên tục trong các cơ sở giam giữ và phòng, chống lây nhiễm HIV trong các cơ sở này.

Đặc biệt, phát huy vai trò của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Luật quy định người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, kế hoạch và cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Triển khai xét nghiệm tại cộng đồng        

Với mục tiêu tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ với chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Luật đã quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; bổ sung biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV.

Lần đầu tiên, Luật quy định việc triển khai xét nghiệm tại cộng đồng gồm xét nghiệm không chuyên, tự xét nghiệm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp phép phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Giảm độ tuổi của trẻ em từ đủ 16 xuống từ đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV để bảo đảm phù hợp thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay.

Luật quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn được chi trả từ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, trước tình hình nguồn lực quốc tế cắt giảm, chính sách hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS được chuyển giao từ nhà tài trợ sang sử dụng nguồn lực trong nước và từ Quỹ bảo hiểm y tế. Trường hợp một số đối tượng trong cơ sở giam giữ không tham gia bảo hiểm y tế hoặc dịch vụ khám điều trị khó triển khai dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo quy định của Bảo hiểm y tế thì sẽ được Nhà nước bảo đảm ngân sách. Ngân sách nhà nước cũng bảo đảm thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con để triển khai điều trị dự phòng sớm cho mẹ và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Đây là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Để bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, Luật quy định đa dạng hóa các nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS, nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đáng lưu ý, Luật bãi bỏ quy định tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với bị AIDS giai đoạn cuối. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lý giải, do người nhiễm HIV chuyển sang AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Bỏ điều khoản này là bảo đảm quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị, tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi pháp luật thi hành án.

Luật bãi bỏ quy định về Quỹ hỗ trợ, điều trị chăm sóc cho người nhiễm HIV, để thực hiện tinh giản các đơn vị hành chính. Hơn nữa, các chính sách của Nhà nước đã bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, ngoài ra việc huy động nguồn lực cho Quỹ này gặp nhiều khó khăn, nguồn lực huy động được không đáng kể. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.

Anh Thảo