ĐBQH TRẦN NHẬT MINH: Cân nhắc bổ sung trường hợp vi phạm hình sự trong lĩnh vực khoáng sản
Góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng: các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 8 Điều 10 của dự thảo Luật còn chung chung, không cụ thể. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung đầy đủ, chi tiết các hành vi cấm trong hoạt động địa chất và khoáng sản.
Về quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Điều 35 của dự thảo luật quy định: “Chủ đầu tư lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác trái phép khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản”.
Theo đại biểu, quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa tính đến việc khai thác làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại hay không? Hoặc trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật về vấn đề này.
Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gồm 117 điều, song có trên 50 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và một số điều khoản khác giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát lại để hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG: Giao thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp
Cho rằng địa chất và khoáng sản có mối quan hệ mật thiết với nhau, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng tình với việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Về thẩm quyền công nhận thăm dò khai thác khoáng sản (Điều 53), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã quy định thống nhất thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khai thác khoáng sản chuyển giao về cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, khác với trước đây còn có thêm Hội đồng về đánh giá kết quả thăm dò khoáng sản và trên cơ sở kết quả của Hội đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới trình Thủ tướng Chính phủ.
“Để Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về quản lý hoạt động khoáng sản, như vậy sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, trách nhiệm quản lý cấp phép, phê duyệt các đề án thăm dò khoáng sản”, đại biểu nhấn mạnh.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), có hai quan điểm nên thu hay không thu? đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chính phủ: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, do đó, nhà đầu tư phải trả kinh phí khi thực hiện quyền khai thác. Đây là tài sản công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng đã có quy định về vấn đề này. Do đó, việc tiếp tục thu tiền khai thác khoáng sản là phù hợp, góp phần đóng góp cho ngân sách Nhà nước, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với phương pháp xác định, phương pháp thu kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, dự thảo Luật quy định đã tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, theo đó doanh nghiệp sẽ được nộp hàng năm nên sẽ giảm áp lực tài chính tại thời điểm ban đầu triển khai. Việc quyết toán kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng thực tế cũng sẽ giúp giải quyết được việc chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò và sản lượng thực tế.
ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH: Điều tiết khoản thu từ khai thác khoáng sản phục vụ an sinh tại địa phương có mỏ
Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, các dự án mỏ khoáng sản hầu hết ở miền núi - những địa bàn cơ bản người dân còn nghèo, nguồn thu ngân sách rất khó, kể cả thu những dự án khoáng sản cũng không đủ bù cho các khoản chi trên địa bàn liên quan đến rủi ro, ảnh hưởng khai thác khoáng sản… Do vậy, đại biểu đánh giá cao quy định Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Theo đó, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Dẫn thực trạng tại địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), việc xuất hiện các hố tử thần, nhà dân bị nứt do ảnh hưởng của khai thác khoáng sản nhưng không có nguồn để xử lý, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung điều tiết khoản thu trên cho địa phương giải quyết rủi ro về môi trường và an sinh xã hội.
Bày tỏ trăn trở về việc hoàn thổ khi đóng cửa mỏ khoáng sản vẫn còn ít thực hiện “dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống người dân, thậm chí mất đất lúa, không sản xuất được”… đại biểu đề nghị tăng quy định số tiền doanh nghiệp phải nộp trước để phục vụ hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Liên quan đến quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nên bỏ khoản thu này; đồng thời, xem xét lồng vào tăng mức thuế tài nguyên khoáng sản để bù đắp ngân sách Nhà nước.
“Quy định như vậy sẽ xóa bỏ tâm lý của doanh nghiệp phải nộp “thuế chồng thuế” khi vừa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vừa nộp thuế tài nguyên; đồng thời bảo đảm nguyên tắc tất cả các nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều phải được thực hiện trong các khoản thuế, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại biểu lý giải.