Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri Gia Lai đánh giá hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Cử tri quan tâm đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV với nhiều kỳ vọng, vì đây là kỳ họp với khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Chương trình kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, công tác lập pháp thông qua nhiều dự án luật có tác động trực tiếp đến Nhân dân trong tỉnh Gia Lai nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung (như Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế,...) đòi hỏi các ĐBQH nỗ lực tham gia, dành thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến về các nội dung kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân.
Tăng cường phòng chống thiên tai, sạt lở
Cử tri cho rằng hiện nay tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, chính trị, đòi hỏi phải củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng để sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Cần có phương án tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, chống bão lụt, sạt lở đất để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Cử tri mong muốn Trung ương sớm cho chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 để các địa phương kịp thời tổ chức triển khai thực hiện, không bị gián đoạn, bảo đảm phát huy hiệu quả huy động và sử dụng mọi nguồn lực cũng như sớm hoàn thành khối lượng theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn mới.
Cử tri đề nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính cùng ban hành, vì hiện nay việc xác định vùng của huyện, xã còn chưa rõ ràng, thống nhất, cụ thể. Thực tế tại huyện Kbang, danh sách các xã, huyện miền núi được ban hành theo Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23.5.1997 của Ủy ban Dân tộc và miền núi thì Kbang là huyện vùng cao, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện là xã thuộc vùng cao. Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, địa bàn huyện Kbang có 12 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trừ xã Đăk Hlơ và Thị trấn Kbang không có trong danh sách).
Vì còn nhiều vướng mắc, nên các đơn vị trường học trên địa bàn thị trấn Kbang và xã Đăk Hlơ thuộc huyện Kbang đang có nhiều lúng túng trong thực hiện mức chi phụ cấp ưu đãi ngành đối với giáo viên.
Cơ sở đề nghị chính sách đãi ngộ
Từ thực tế địa phương, cử tri Gia Lai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1.1.2019 bổ sung thêm nội dung quy định chế độ, chính sách được công nhận liệt sĩ, thương binh và các chế độ khác cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khi hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ như Kiểm lâm để thuận lợi trong quá trình triển khai đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh. Vì lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự như lực lượng Kiểm lâm, cùng hoàn cảnh, điều kiện khó khăn tương tự như nhau, khi thực hiện nhiệm vụ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Trên thực tế, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên làm việc 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; công việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động... Vào mùa cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng phải trực đủ 100% quân số... nhưng chế độ đãi ngộ chưa được bảo đảm đúng mức. Cử tri Gia Lai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá nghề, công việc "quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28.12.2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, bổ sung nghề quản lý bảo vệ và phát triển rừng vào danh mục nghề nặng nhọc và nguy hiểm để có cơ sở đề nghị chính sách đãi ngộ đối với viên chức, lao động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.