BỎ PHIẾU BẤT TÍN NHIỆM

Bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm

- Thứ Sáu, 26/10/2012, 08:51 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, quy trình quy trách nhiệm của Chính phủ trước Nghị viện được thực hiện chủ yếu bằng hai hình thức: bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ (vote of nonconfidence) thể hiện thái độ không đồng tình của Nghị viện đối với đường lối, chính sách, những động thái cụ thể nào đó hoặc dự luật của Chính phủ. Bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu được thông qua có thể kéo theo sự từ chức của Chính phủ và có thể có sự giải tán Nghị viện (nếu có quy định). Bỏ phiếu bất tín nhiệm xuất phát từ Nghị viện. Bởi vậy, vì tính ổn định của Chính phủ mà đôi lúc hiến pháp các nước đã phức tạp hóa quy trình này, quy định sáng kiến bỏ phiếu bất tín nhiệm phải do một số lượng đại biểu đáng kể đưa ra (thường là 10% tổng số nghị sỹ) và nghị quyết về bất tín nhiệm phải được đa số tuyệt đối hoặc đa số tương đối ủng hộ. Thậm chí ở Thụy Điển, để được coi là đã thông qua, tối thiểu một phần mười số nghị sỹ phải tán đồng với kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ở nhiều nước, Hiến pháp nói đến khái niệm “bỏ phiếu bất tín nhiệm có tính chất xây dựng”. Cuộc bỏ phiếu được công nhận nếu Nghị viện không chỉ thông qua nghị quyết bất tín nhiệm mà còn xác định người đứng đầu Chính phủ mới. Theo Điều 67, Đạo luật cơ bản của Đức, Bundestag (Hạ viện Đức) chỉ có thể phản ánh sự bất tín nhiệm đối với Thủ tướng liên bang bằng cách bầu ra người kế nhiệm và đề nghị Tổng thống liên bang truất quyền Thủ tướng cũ. Tổng thống buộc phải làm điều đó và bổ nhiệm Thủ tướng mới. Cách làm như vậy cho phép tránh những cuộc khủng hoảng Chính phủ kéo dài do Nghị viện một thời gian dài không thành lập được Chính phủ mới.

Bỏ phiếu tín nhiệm (vote of confidence) xảy ra khi Chính phủ tự đưa ra vấn đề tín nhiệm liên quan đến một động thái nào đó mà Chính phủ muốn đạt được từ Nghị viện (có thể là một chính sách, đường lối, dự luật). Nếu không đạt được kết quả mong muốn, Chính phủ sẽ tự từ chức tập thể. Ví dụ, năm 1990 Thủ tướng Thụy Điển đưa “kiến nghị cả gói” để Nghị viện biểu quyết và tuyên bố nếu Nghị viện không thông qua “kiến nghị cả gói”, Chính phủ sẽ tự từ chức mà không đợi thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nghị viện Thụy Điển không thông qua kiến nghị và Chính phủ đã tự từ chức. Đây là một phương thức khá hiệu quả để gây sức ép đối với Nghị viện, đặc biệt khi sự từ chức tập thể của Chính phủ, khủng hoảng Chính phủ có thể kéo theo sự giải tán Nghị viện và cuộc bầu cử Nghị viện mới sẽ được ấn định. Nhưng mặt khác, nếu Nghị viện không đồng tình với động thái có lợi cho Chính phủ, điều đó có thể tước mất của Chính phủ khả năng thực hiện chính sách của mình hoặc gây khó khăn nghiêm trọng cho việc thực hiện chính sách đó, và như vậy sự có mặt trong thành phần Chính phủ đối với thành viên trở nên vô nghĩa. Hơn nữa, nếu xét từ góc độ khác, đó lại là một sự mạo hiểm lớn cho Chính phủ nếu Nghị viện bị giải tán vì liệu Chính phủ có chiếm được đa số nữa trong Nghị viện sẽ được bầu lại hay không? Bởi vậy, thông thường Chính phủ các nước chỉ sử dụng biện pháp này khi tin chắc vào lợi thế tương quan lực lượng của mình vào thời điểm bỏ phiếu.

Theo thủ tục ở các nước, đưa được vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm ra nghị trường chưa phải là xong, vì các vị bộ trưởng được phép báo cáo, tranh luận, phản biện về những vấn đề liên quan, và những phiên thảo luận như thế kéo dài mấy ngày, nếu các bộ trưởng “cãi thắng”, thuyết phục được đa số trong Nghị viện thì sẽ không bị bất tín nhiệm. Mà khả năng “thắng” của họ là khá cao.

Minh Thy