Bố ơi, con ước...

Lê Thủy 04/12/2014 08:48

Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, không có bạo lực là niềm mơ ước của nhiều em nhỏ. 23 nam thanh niên từ 13 - 19 tuổi đã được trao máy ảnh và tạo cơ hội để kể những câu chuyện và giúp người khác nhìn thấy ước mơ của mình.

Em ước bố thay đổi cách sống và không hay uống rượu nữa. Em mong bố mẹ luôn yêu thương nhau...

Em muốn gửi đến tất cả những người bố: nếu con cái có làm sai gì thì cũng không nên đánh đập, đuổi ra khỏi nhà...

Em mong muốn một người bố có chút hài hước, biết chăm lo cho mọi người trong gia đình, không lạnh lùng.

Em muốn bố ít uống rượu hơn và làm giúp mẹ nhiều việc hơn.

Em mong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và sớm tìm thấy bố.

...


Mơ ước về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, không có bạo lực được 23 nam thanh niên (từ 13 - 19 tuổi) thể hiện trong triển lãm Bố ơi, con ước… đang diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội. 23 câu chuyện trong triển lãm là hoàn cảnh hiện tại của các em sống trong các gia định bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của 23 cá nhân cụ thể, mà đại diện cho rất nhiều trẻ trong các gia đình ảnh hưởng bởi bạo lực tại Việt Nam. 23 câu chuyện, 23 bộ ảnh đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc của những trẻ sớm bị thương tổn về tình cảm do thiếu sự chăm sóc của người cha, thay vào đó là những trải nghiệm đau buồn về bạo lực. Chiếc khăn quàng đỏ, biểu tượng cho thời học sinh vui tươi, hạnh phúc nhưng với một số em lại gợi nhớ những ký ức kinh hoàng về người cha một thời. Hồi đó em mải chơi, em đã bỏ học và khi về thì bố biết, bố đánh, bố túm khăn quàng đỏ dúi đầu vào tường gần một chiếc bàn, chiếc bàn đổ và tay em bị trầy da. Lúc đó em chỉ biết chắp tay van xin con xin bố, con lạy bố... Rồi từng giọt nước mắt em chảy ra. Bố đánh xong còn trói em vào một cái cột bằng chính chiếc khăn quàng đỏ...

Triển lãm Bố ơi, con ước… là kết quả dự án photovoice, trao máy ảnh, tạo cho các em cơ hội để kể những câu chuyện của mình và giúp người khác nhìn thấy thế giới qua đôi mắt của họ. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, người hỗ trợ các em về mặt nghệ thuật trong dự án cho biết: “Tôi không can thiệp sâu hướng các em phải làm như thế nào, cũng không dạy kỹ thuật nhiều, bởi không thể đòi hỏi trong một vài tuần tạo ra được những tác phẩm tuyệt hảo về hình ảnh. Tôi hướng các em không chụp trực tiếp về bạo lực mà dùng những hình ảnh gián tiếp, có thể thông qua những đồ vật, ám ảnh, những góc nhìn, khung cảnh không xuất hiện nhân vật nhiều nhưng vẫn gợi được, nói được câu chuyện; khuyến khích các em tạo nên những góc nhìn mà không phải ai cũng có thể khám phá được, ngoài chính các em. Sau 3 tuần, tôi chọn ra những hình ảnh giá trị, có thể kể chuyện...

Nhiều em thiên về phản ánh cuộc sống của mình; có em thông qua hình ảnh để thể hiện ước mơ, đó cũng là cách phản ánh thực tế. Bên cạnh mỗi bức ảnh là một đoạn trả lời phỏng vấn của chính tác giả, giúp người xem triển lãm như được nói chuyện để hiểu suy nghĩ của tác giả. Nhiều người ở nhiều lứa tuổi đã đến triển lãm, trong đó có người đồng cảm với các tác giả; cũng có người qua đó nhận ra sai lầm khi đã tiếp nhận cuộc sống theo cách của mình, làm tổn thương con cái...

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - đơn vị thực hiện triển lãm cho rằng: Những bức ảnh là một cách các em nói với người cha của mình và những người cha khác rằng: chúng con cần tình yêu, sự chia sẻ, cần cha lắng nghe và thấu hiểu, cần bình an. Tôi ước mọi ông bố đều nghe thấy những tiếng nói này... Người lớn cũng cần lắng nghe con cái để hiểu về chính mình. Nếu trong một xã hội mà mọi thành viên đều lắng nghe nhau với tình yêu thương và thái độ tích cực, đó là nền tảng của hạnh phúc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bố ơi, con ước...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO