Tại sao trẻ nói dối?
Trẻ nói dối có thể vì chúng muốn che đậy điều gì đó để chúng không gặp rắc rối.
Xem bố mẹ sẽ phản ứng thế nào.
Làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
Thu hút sự chú ý hoặc khiến bản thân trở nên thú vị hơn.
Mong có được thứ chúng muốn.
Tránh làm tổn thương cảm xúc của ai đó.

Khi nào trẻ bắt đầu nói dối?
Trẻ em có thể học nói dối từ khi còn nhỏ, thường là khoảng 3 tuổi. Đây là lúc trẻ bắt đầu nhận ra rằng bố mẹ không phải là người có khả năng đọc suy nghĩ, nên chúng có thể nói những điều không đúng sự thật.
Trẻ nói dối nhiều hơn trong giai đoạn 4 - 6 tuổi. Chúng có thể nói dối thành thục hơn bằng cách kết hợp lời nói với nét mặt và giọng điệu. Càng lớn, những lời nói dối của con trẻ càng trở nên phức tạp hơn vì trẻ dần hiểu rõ hơn suy nghĩ của người khác.
Khi con trẻ đủ lớn để hiểu sự khác biệt giữa đúng và không đúng, bạn nên khuyến khích và hỗ trợ con để chúng nói sự thật. Bạn có thể làm điều này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực trong gia đình và giúp trẻ hiểu điều gì có thể xảy ra nếu chúng nói dối.
Cách nào để xử lý việc con cố tình nói dối?
Trò chuyện về việc nói dối và nói thật với con bạn. Ví dụ: “Con nghĩ mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu bố nói dối mẹ?” hoặc: “Điều gì xảy ra khi con nói dối giáo viên?”
Giúp con bạn tránh những tình huống mà chúng cảm thấy cần phải nói dối. Ví dụ, nếu bạn hỏi: “Con vừa đánh vỡ bát đúng không?”, con bạn có thể sẽ muốn nói dối. Để tránh tình huống này, bạn chỉ cần nói: “Bố/mẹ thấy sự cố vừa xảy ra với cái bát. Con hãy dọn dẹp cẩn thận mảnh vỡ kẻo đứt tay”.
Bố mẹ cũng nên khen ngợi con khi con thừa nhận làm sai điều gì đó. Ví dụ: “Bố/mẹ rất vui vì con đã kể cho bố/mẹ chuyện đó. Chúng ta hãy cùng tìm cách giải quyết vấn đề nhé”.
Bên cạnh đó, để con trung thực, bố mẹ hãy là một tấm gương về việc nói sự thật. Ví dụ bạn có thể nói: “Hôm nay bố/mẹ mắc lỗi tại công ty và bố/mẹ đã nhận lỗi với sếp. Thật may là sếp vui vẻ bỏ qua chuyện này”.
Nếu con bạn - ở tuổi mẫu giáo - và đang bịa ra một câu chuyện về điều gì đó, bạn có thể đáp lại bằng cách nói những điều như: “Đó là một câu chuyện hay - chúng ta có thể viết nó thành một cuốn sách”. Điều này khuyến khích trí tưởng tượng của con bạn mà không khuyến khích nói dối.
Nếu con bạn luôn cố tình nói dối, bước đầu tiên là phân tích để con hiểu rằng nói dối là không ổn. Bước tiếp theo là sử dụng các “hậu quả” thích hợp để con bạn hiểu rằng, khi con dối trá, con sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Nói chuyện một cách bình tĩnh với con về việc con nói dối khiến bạn cảm thấy như thế nào, nó ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của bạn với con và điều gì sẽ xảy ra nếu gia đình và bạn bè không còn tin tưởng con bạn nữa. Những cuộc nói chuyện như thế này nhấn mạnh sự khác biệt giữa điều gì xảy ra nếu con bạn thành thật và điều gì xảy ra nếu chúng không trung thực.
Luôn nói với con bạn khi bạn biết rằng chúng không nói sự thật. Nhưng hãy cố gắng tránh liên tục hỏi con bạn xem chúng có nói thật hay không. Cũng tránh gọi con bạn là “đồ dối trá”. Khi con bạn nói dối, bạn có thể nói điều gì đó như: “Con vẫn thường thành thật với bố mẹ nhưng hôm nay, bố mẹ không giải thích nổi chuyện chậu cây cảnh bị vỡ”.
Không tạo điều kiện thuận lợi để con nói dối. Bạn có thể bắt đầu bằng việc nghĩ xem tại sao con bạn lại nói dối. Ví dụ, nếu con bạn nói dối để có được thứ chúng muốn, hãy tìm cách giúp con có được thứ chúng muốn như phần thưởng cho nỗ lực học tập, làm việc nhà…
Đôi khi trẻ nói dối hoặc giữ bí mật về những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, con nói dối về việc bị bạn đồng lứa bạo hành hoặc thậm chí bị người lớn xâm hại. Bạn cần tìm hiểu kỹ về vấn đề, trao đổi với con thật nhẹ nhàng, dịu dàng; Trấn an con bạn rằng chúng sẽ được an toàn nếu nói sự thật; Bố mẹ luôn đứng về phía con cái.
Hãy cho con bạn biết, bạn sẽ làm mọi thứ có thể để khiến mọi việc tốt hơn và bạn sẽ luôn đồng hành với con.