Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét nhờ nông thôn mới
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Quyết tâm, chung sức xây dựng NTM
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Điều phối NTM các cấp của tỉnh đã thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách; tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch; phân bổ vốn, hướng dẫn và giám sát tình hình thực hiện vốn trong Chương trình NTM; thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đảm bảo đạt các mục tiêu của Chương trình.

Theo đó, trong năm 2022, tỉnh đã huy động được gần 1.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 450 km đường giao thông; về thuỷ lợi đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 48,5 km kênh, mương và 34 hồ, đập, kè, trạm bơm; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp gần 400 phòng học, 28 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 168 nhà văn hóa và khu thể thao xóm, 10 chợ nông thôn, trạm y tế xã, trụ sở xã… Hỗ trợ gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp xây dựng NTM cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Từ Chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng NTM đạt trên 95%. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc với các địa phương rà soát tiêu chí cần hoàn thành, tiến độ thực hiện, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn… từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ban hành quyết định công nhận kịp thời.
Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, những năm qua huyện Đại Từ đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nhờ đó, huyện đang tạo ra hướng đi riêng phù hợp với đặc thù, trong đó có việc tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Mô hình sinh thái trên địa bàn huyện chủ yếu dựa trên cơ sở cảnh quan tự nhiên và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất chè.
Nhiều HTX, tổ hợp tác đã quan tâm chỉnh trang đồi chè, tạo dựng không gian thưởng trà, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phát triển đa dạng các sản phẩm chè làm quà biếu để phục vụ du khách. Đồng thời, góp phần lan tỏa, đưa thương hiệu chè Đại Từ vươn xa.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ) cho biết, ngoài hoạt động sản xuất, vài năm gần đây, chúng tôi còn đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đồi chè, cùng tham gia hái chè và chế biến chè với bà con. Thành viên HTX là những người làm chè sẽ trực tiếp hướng dẫn, trải nghiệm cùng du khách. "Nhằm hướng tới phát triển chuyên nghiệp, chúng tôi đang tích cực cử các thành viên tham dự nhiều lớp tập huấn về du lịch, đi tham quan các mô hình du lịch nông thôn trong và ngoài tỉnh", bà Hải thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đại Từ có trên 30 sản phẩm OCOP tiêu chuẩn từ 3-4 sao, trong đó nhiều nhất là sản phẩm chè. Với diện tích trên 6.600ha chè, cùng hơn 50 làng nghề, làng nghề chè truyền thống, cây chè đã mang lại “lợi ích kép” cho người nông dân khi vừa là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, vừa có ý nghĩa phát triển du lịch gắn với văn hóa trà.
Nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực, đến nay huyện Phú Bình có 19/19 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt NTM nâng cao. Những kết quả trong xây dựng NTM gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất bền vững đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện thuần nông này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân được nâng cao... là nền tảng vững chắc để Phú Bình trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên có 100% xã đạt chuẩn NTM, đời sống người dân được nâng lên với thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 4%.
Tương tự, huyện Định Hoá trong quá trình xây dựng NTM, đã lựa chọn các hạng mục ưu tiên đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm như xây dựng các tuyến đường liên xã, hạ tầng cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương... Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai một số công trình hạ tầng nâng cấp hệ thống thu gom nước thải; cải tạo, nâng cấp chợ, nhà văn hóa thị trấn.
Ông Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện uỷ Định Hoá cho biết, nhờ thực hiện chương trình, nhận thức của người dân đã thay đổi, từ suy nghĩ phải làm NTM chuyển sang sẵn sàng làm NTM và mong muốn làm NTM, trở thành những nông dân văn minh. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của các địa phương. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, khởi sắc hơn. Phát huy kết quả đạt được, Định Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023.