Khoa học

Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo thông tin về 5 luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trần Tâm 07/07/2025 20:25

Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thông tin về 5 luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi thế Duy và Lê Xuân Định đồng chủ trì buổi họp báo.

Bước tiến pháp lý cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng, sự phân công của Chính phủ, chỉ sau 4 tháng kể từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua 5 luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới của đất nước, bao gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.

z6780585020377_d7d3cb59f2936cf5721380d3be716231.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hải Dương

Theo Thứ trưởng, việc Quốc hội thông qua 5 luật lần này là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

z6780584218688_7dc220205603799b6942831a1ccff814.jpg
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H. Dương

Các đạo luật không chỉ tạo nền tảng pháp lý để triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước, đặc biệt khi hệ thống chính quyền hai cấp đang bước vào giai đoạn vận hành thực tế.

img_8738.jpg
Đại diện các đơn vị tham dự buổi họp báo. Ảnh: H. Dương

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa mạnh mẽ những nội dung cốt lõi của 5 đạo luật sẽ là đóng góp thiết thực, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả.

Khung pháp lý mới mở đường cho AI, công nghiệp bán dẫn và năng lượng nguyên tử

Tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị chủ trì soạn thảo luật đã thông tin tóm tắt một số nội dung quan trọng trong các luật mới. Những thay đổi mang tính căn cơ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn thể chế của ngành khi các đạo luật này chính thức có hiệu lực.

img_8753.jpg
Vụ trưởng Vụ Khoa học, kỹ thuật và công nghệ Nguyễn Phú Hùng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H. Dương

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, kỹ thuật và công nghệ Nguyễn Phú Hùng cho biết, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có hiệu lực từ 1/10/2025, lần đầu tiên đặt đổi mới sáng tạo ngang hàng với khoa học và công nghệ. Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt cho tăng trưởng, với kỳ vọng đóng góp tới 3% GDP, vượt xa mức 1% từ khoa học và công nghệ. Luật chuyển trọng tâm từ quản lý đầu vào sang đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hưởng tối thiểu 30% thu nhập, từ đó tạo động lực đổi mới và gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với phát triển kinh tế - xã hội.

z6780592641312_b50e377d57f7f115a4f4a9282e01da46.jpg
Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: H. Dương

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (hiệu lực từ 1/1/2026), Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp thông tin, luật đã thể hiện tư duy quản lý mới, thay đổi từ hành chính sang quản lý theo rủi ro, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu số. Luật lần đầu tiên yêu cầu xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm quốc gia, quản lý rõ ràng hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Hà Minh Hiệp cũng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (hiệu lực từ 1/1/2026) đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện, với điểm nhấn là luật hóa chiến lược tiêu chuẩn quốc gia, thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia và áp dụng nguyên tắc “một sản phẩm - một quy chuẩn” để chấm dứt tình trạng chồng chéo. Đặc biệt, việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận thị trường toàn cầu.

z6780590643774_04b79ae048b1b5da11f739782d49843b.jpg
Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Nguyễn Khắc Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: H. Dương

Thông tin về Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Nguyễn Khắc Lịch khẳng định, đây là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài sản số. Luật Công nghiệp công nghệ số quy định chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với AI, luật đưa ra nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm”, yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, Nhà nước dành chính sách ưu đãi cao nhất cho thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đây cũng là lần đầu tiên tài sản số bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa được bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ số tập trung, và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam.

z6780696234707_0d4c4043f214abde025353eed4e27366.jpg
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Hoàng Linh phát biểu. Ảnh: Hải Dương

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử (hiệu lực từ 1/1/2026) Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Hoàng Linh cho biết, điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Một điểm mới quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy. Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã cung cấp thông tin, giải đáp nhiều câu hỏi của các cơ quan thông tấn, báo chí xoay quanh các vấn đề được dư luận quan tâm, như: quy định về nhân tài công nghệ số và nhân lực công nghệ số chất lượng cao; quy định mới nào sẽ giải quyết được vấn đề hàng nhái, hàng giả; cơ chế giám sát đối với việc thực hiện giám sát các sản phẩm hàng hóa như thế nào và thời gian ban hành các thông tư hướng dẫn luật cho các địa phương triển khai thực hiện…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo thông tin về 5 luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO