Bỏ hay không bỏ?

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 08:40 - Chia sẻ
Cục Hàng không vừa đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác.

Cụ thể, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục kiến nghị sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hàng không. Theo đó, với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, nếu đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản trong khung giá, không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông Vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ. Trường hợp đường bay có từ 3 hãng tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Lý do Cục Hàng không đưa ra đề xuất này là bởi hiện Nhà nước quy định giá trần theo cự ly từng đường bay. Trên cơ sở này, các hãng xây dựng "dải giá" linh hoạt, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ... Với sự tham gia của ngày càng nhiều các hãng, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh cao nên áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ...

Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ mức giá trần vé dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa để các hãng hàng không tự điều chỉnh giá bởi khung giá trần là "điểm nghẽn" về cơ chế. Hiện nay, đa số khách hàng quan tâm đến việc có mua được vé giá rẻ hay không chứ không cần biết khung giá trần là bao nhiêu.

Ở khía cạnh khác, vé máy bay giá rẻ vẫn đang là tiêu chí hàng đầu của khách hàng bay nội địa vì mặt bằng thu nhập vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, tùy thời điểm khách tăng, giảm trong mùa cao điểm và thấp điểm mà các hãng đưa ra các "dải vé" khác nhau trên một đường bay để khách lựa chọn, trong đó có vé chỉ vài trăm ngàn đồng, thấp hơn so với giá trần của chặng bay nên hiển nhiên trong trường hợp này, khung giá trần không có nhiều ý nghĩa.

Như vậy có thể thấy, giá vé vẫn là yếu tố lựa chọn hàng đầu của phần lớn hành khách. Thế nhưng nếu bỏ mức giá trần mà các hãng cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến lâu dài và tính bền vững của thị trường. Bởi không phải hãng hàng không nào cũng duy trì mãi giá thấp mà chỉ trong thời gian đầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, sau đó giá vé chắc chắn sẽ tăng. Do vậy, cạnh tranh lành mạnh mới bền vững chứ không phải giá rẻ là yếu tố quyết định. Các hãng quyết định giá vé nhưng phải bảo đảm chi phí tối thiểu, đặc biệt đáp ứng được yếu tố an toàn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không ủng hộ với lập luận đây là ngành dịch vụ mà người bán chiếm số lượng rất ít nên chưa thể để việc tự điều tiết cho thị trường. Hơn nữa, mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên vẫn cần vai trò điều tiết của Nhà nước. Khi không có công cụ kiểm soát, có thể các hãng sẽ bắt tay "làm giá"...

Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường vận tải hàng không nước ta có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ trung bình 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa. Tất nhiên trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu cũng còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Thế nhưng dù vậy thì yêu cầu hàng đầu vẫn là phát triển bền vững với thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn, thuận tiện. Với đề xuất bỏ mức giá trần vé máy bay nội địa cũng vậy, chắc chắn phải có đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi yếu tố, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh.

Ninh Khánh