Trong đó, tăng cường thành lập các tổ công tác và trực tiếp đến các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng đế phối hợp chỉ đạo tại hiện trường công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm bắt chặt chẽ tình hình thực tế, nâng cao tính dự báo để kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, với mục tiêu "tính mạng con người là trên hết".
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét trên các quốc lộ để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), an toàn công trình. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo ATGT và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các trục giao thông chính. Quá trình triển khai khắc phục hậu quả mưa, lũ và bảo đảm giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công, các hạng mục công trình.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các cầu, các công trình đang thi công, các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt do mưa, lũ trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường cao tốc đang khai thác để có phương án xử lý kịp thời bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình; tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn khi có ách tắc.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả bão, mưa, lũ gây ra; phối hợp bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đang thi công, xây dựng. Đối với Đường sắt Việt Nam, Bộ cũng đề nghị phối hợp với Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập nước, đá rơi, đất sụt… để kịp thời có phương án ứng phó hoặc dừng chạy tàu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình. Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ để đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, yêu cầu chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực tăng cường kiểm tra việc neo buộc, đậu đỗ của tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ tàu, thuyền phải neo đậu, chằng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại các khu vực an toàn không để phương tiện trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác.
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác tại địa phương trong công tác tìm kiếm, cứu nạn người còn đang mất tích do bão số 3 gây ra.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên các tuyến quốc lộ được ủy thác để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa nhằm bảo đảm ATGT, an toàn công trình.
Các Sở Giao thông Vận tải cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Khu Quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, đường sắt… tiến hành khắc phục sự cố do bão, mưa, lũ gây ra; tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa… ngay khi lũ rút.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ:
Số điện thoại: 0989.642.456
Email: banpclb@mt.gov.vn