Bố già của dòng nhạc soul

22/01/2007 00:00

Năm 2006, công chúng yêu nghệ thuật đã phải vĩnh biệt khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như đạo diễn Robert Altman, diễn viên Peter Boyle… và người hâm mộ vô cùng tiếc thương ca sĩ, nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới âm nhạc của thế kỷ XX, James Brown.

      Trong sự nghiệp âm nhạc huy hoàng kéo dài hơn nửa thế kỷ, James Brown đã bán được hàng triệu đĩa hát, nhận vô số giải thưởng lớn nhỏ và đặc biệt là trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều các nghệ sĩ đàn em. Chính dòng nhạc funk của ông đã làm nền cho sự hình thành dòng nhạc hip-hop và có ảnh hưởng lớn tới dòng pop hiện đại. Ông được biết đến với rất nhiều biệt danh như “Nghệ sĩ chăm chỉ nhất”, “Người năng động” và “Bố già của dòng nhạc soul”. Âm nhạc của ông là sự pha trộn rất nhiều cảm xúc: cuồng nhiệt, sâu sắc và nhẹ nhàng. Ngoài ra, những bước nhảy, xoay tròn, khụyu gối trên sân khấu cũng góp phần tạo nên một hình ảnh đặc trưng cho James Brown mà sau này rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó phải kể đến Mick Jagger hay Michael Jackson, ngưỡng mộ và cố gắng học theo. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, James Brown biểu diễn gần như tất cả các ngày trong năm với một sự say mê và nhiệt tình khó tả. Ông hấp dẫn kỳ lạ khi ở trên sân khấu và tất cả những ai  từng một lần được xem ông biểu diễn đều bị cuốn vào không khí sôi động. 
      James Brown sinh ngày 3-5-1933 ở thị trấn nhỏ Barnwell, nước Mỹ. Không may mắn được sống trong một gia đình hạnh phúc khi cha mẹ sớm ly dị, cậu bé James Brown đã phải kiếm sống từ khi còn rất nhỏ bằng việc đánh giày và bán báo. Cậu bị đuổi khỏi trường do nghỉ học quá nhiều và chỉ vài năm sau phải vào tù lần đầu tiên vì tội ăn cắp một chiếc xe ô tô. Tuy nhiên, chính tại đây, năng khiếu ca hát của James Brown được khám phá khi cậu tham gia vào đội hát thánh ca. Ra tù, James Brown trở thành thành viên của ban nhạc Những ngọn lửa (The Flames) với vai trò đánh trống. Nhưng rồi dần dần, với tài năng hát và nhảy, James Brown đã nhanh chóng được coi là “ngôi sao” của ban nhạc. Nhờ vào ca khúc Please, please, please mà ban nhạc được một ông bầu phát hiện và nâng đỡ để rồi những đĩa đơn của nhóm phát hành sau đó đã bán được tới hàng triệu bản. Trong suốt những năm 1960, ban nhạc đi tour vòng quanh nước Mỹ và những buổi biểu diễn của họ luôn đông nghẹt người hâm mộ. Họ như phát cuồng lên với mỗi bài hát của nhóm qua giọng hát của James Brown và đặc biệt là môn giả vờ ngất trên sân khấu mỗi khi kết thúc buổi diễn. Đến giữa những năm 1960, James Brown đã tiến thêm một bước nữa trên con đường âm nhạc khi tự mình sản xuất các ca khúc cho nhóm The Flames và không ngừng tìm tòi những thử nghiệm mới. Một trong những thử nghiệm thành công của ông là bài Papa’s Got a Brand New Bag với giải Grammy cho ca khúc nhạc Rhythm-and-Blues xuất sắc nhất và đó chỉ là sự khởi đầu cho một loạt đột phá trong âm nhạc của ông sau này. Không dừng lại ở đó, James Brown còn sử dụng uy tín và danh tiếng cho các mục đích xã hội. Năm 1966, ông cho ra đời ca khúc Đừng bỏ học (Don’t Be a Dropout) và cùng với phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đi quảng bá cho chiến dịch khuyến khích học sinh học hết phổ thông. 2 năm sau đó, ông lại tiếp tục thu âm ca khúc ủng hộ phong trào đòi quyền bình đẳng của người da đen mang tên Nói to lên: Tôi da đen và tôi tự hào (Say it Loud - I’m Black and I’m Proud) trong đó có câu: “Chúng ta sẽ không dừng lại cho tới khi nhận được những gì xứng đáng”. Năm 1968, khi mục sư Martin Luther King bị ám sát, Brown không những không hủy bỏ show diễn mà còn cho phép truyền hình phát trực tiếp. Chính vì thế thành phố Boston, nơi có show diễn, là nơi hiếm hoi trên nước Mỹ không xảy ra bạo động nhờ vào những lời kêu gọi của James Brown tới khán giả. 
      Điều gì phải đến cũng sẽ đến, James Brown rời khỏi nhóm nhạc The Flames để tìm kiếm thành công trong con đường đơn ca. Lúc này, cái tên James Brown đã trở nên rất nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn tới âm nhạc của Mỹ và châu Phi lúc bấy giờ. Các ca khúc của ông như Make it Funky, Hot Pants, I Got You (I Feel Good) liên tục lọt vào các bảng xếp hạng danh tiếng và ông nhận được rất nhiều lời mời sáng tác nhạc cho các bộ phim, đặc biệt là được mời hát trong trận đấm bốc lịch sử giữa Muhammad Ali và George Foremen. Năm 1985, ông đoạt được giải Grammy thứ hai với ca khúc Living in America và là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của thể loại Rock&Roll được ghi tên trong bảng vàng Hall of Fame. Ông vẫn tiếp tục làm việc cho tới những năm đầu thế kỷ XXI với album The Next Step ra đời năm 2002. 
      Nhiều năm cống hiến cho âm nhạc mang lại cho James Brown danh tiếng và một tài sản khổng lồ nhưng đời tư của ông thì lại không được may mắn. Ông kết hôn tới 4 lần và đều không hạnh phúc, người con trai cả thì bị chết trong một tai nạn ô tô, năm 1987 ông bị bắt vì tội mang vũ khí trái phép và sử dụng ma túy và đã phải ngồi tù cho đến năm 1991. Ngựa quen đường cũ, năm 1998 ông lại tiếp tục bị phát hiện sử dụng ma túy, phải đi cai nghiện 3 tháng. Mới đây nhất, năm 2004, ông lại bị bắt vì bị buộc tội hành hung người vợ thứ 4 nhưng rồi được thả vì không đủ bằng chứng.
      Ông từng được nhận giải Thành tựu Trọn đời của cả 2 giải thưởng rất uy tín là Grammy và BET. Vì thế, cái chết của ông do một cơn đau tim vừa qua là một cú sốc lớn đối với người hâm mộ và trở thành tâm điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng loạt hoạt động tưởng niệm ông được diễn ra trang trọng trên khắp nước Mỹ là minh chứng cho một sự thật: cái tên James Brown đã trở thành một biểu tượng bất tử của âm nhạc thế giới.

Phạm Huyền Trang

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bố già của dòng nhạc soul
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO