Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển đại học

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học, cao đẳng sư phạm hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025

Một trong những nhiệm vụ cụ thể Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo là hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông.

Theo đó, các trường cần hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong Đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GD-ĐT và của cơ sở đào tạo; kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.

Bên cạnh đó, hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên cần chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng trong xét tuyển đại học -0
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Trần Hiệp)

Thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt cho các ngành STEM và những ngành trọng điểm khác; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cốt lõi cho giảng viên

Các trường cần rà soát, quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo, bảo đảm các điều kiện về mở ngành, phù hợp với quy mô tuyển sinh, đào tạo.

Tận dụng khai thác các nguồn học bổng, tạo điều kiện và thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết để có nhiều giảng viên được đi học nâng cao trình độ, nhất là đi học tiến sĩ theo Đề án 89; ưu tiên giảng viên các ngành STEM phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực trọng điểm khác của đất nước.

Xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo trình độ, năng lực, vị trí việc làm và kết quả thực hiện công việc nhằm thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi, nhất là trong các ngành có cạnh tranh mạnh với khu vực công nghiệp về thu hút nhân tài.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tự đào tạo, bồi dưỡng về năng lực ngoại ngữ, năng lực nghiệp vụ sư phạm, năng lực tổ chức và thực hiện nghiên cứu, năng lực ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Các trường sư phạm cần tập trung vào đào tạo mới nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao, đồng thời ưu tiên hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tăng cường kiểm soát liêm chính khoa học

Một nhiệm vụ khác được Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng chất lượng và tác động xã hội

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm cần xây dựng và triển khai kế hoạch khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai các hoạt động nghiên cứu ưu tiên gắn với các lĩnh vực, ngành đào tạo thế mạnh của cơ sở đào tạo, bám sát chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Tăng cường công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc gia và quốc tế, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ; quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu gắn với các nhóm nghiên cứu, các đơn vị chuyên môn đơn ngành và đa ngành.

Tăng cường việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giảng viên, người học, các tổ chức, cá nhân liên quan; thành lập, thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Xây dựng và phát triển các chương trình khoa học và công nghệ, đề tài nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu mạnh.

Các trường cũng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định nội bộ về đề xuất, tuyển chọn đề tài, phân bổ kinh phí nghiên cứu và đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở theo hướng chú trọng hơn các điều kiện, tiêu chí về đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ; chú trọng hơn các yêu cầu về chất lượng và tác động xã hội. 

Bảo đảm trích đủ kinh phí từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của người học, giảng viên cơ hữu và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ; ưu tiên chi học bổng và hỗ trợ nghiên cứu cho học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh các ngành STEM. 

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát liêm chính khoa học trong các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu, nhất là các bài báo, báo cáo khoa học; chủ động lồng ghép các nội dung về sở hữu trí tuệ, liêm chính khoa học, kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc khai báo dữ liệu về khoa học và công nghệ trên hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới.

Cụ thể, thực hiện rà soát, đổi mới, hiện đại hoá chương trình đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo, trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung các môn học hoặc lồng ghép vào chương trình đào tạo các nội dung đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực, ngành theo chiến lược, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp để đổi mới, cập nhật mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả học tập; khuyến khích phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, nhất là trong khối ngành STEM phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Đa dạng hóa phương thức đào tạo, liên kết triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao trình độ, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động.

Tập trung phát triển hoặc mở mới các chương trình đào tạo tài năng ở những ngành đào tạo được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển gắn với nhu cầu thực tế của xã hội.

Bên cạnh đó, mở rộng việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài đối với các học phần, chương trình đào tạo đã được thực hiện bằng tiếng Việt, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thúc đẩy hội nhập quốc tế và thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập.

Giáo dục

GS Nguyễn Hữu Tú nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp
Giáo dục

GS Nguyễn Hữu Tú nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội vừa được trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm - một trong những phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp. Huân chương là sự ghi nhận những cống hiến của Giáo sư Nguyễn Hữu Tú đối với sự phát triển hợp tác Pháp ngữ tại Việt Nam, đặc biệt là hợp tác đào tạo Y khoa Pháp  - Việt.

 Bộ GD-ĐT trả lời về đề xuất miễn học phí con giáo viên
Giáo dục

Bộ GD-ĐT trả lời về đề xuất miễn học phí con giáo viên

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện Ban soạn thảo đang đánh giá tác động và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo cho phù hợp.

Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên dương và trao bằng khen đội tuyển đạt thành tích xuất sắc tại Olympic quốc tế năm 2024
Giáo dục

Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên dương và trao bằng khen đội tuyển đạt thành tích xuất sắc tại Olympic quốc tế năm 2024

Ngày 11.10, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đã tổ chức tuyên dương và trao bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho 9 học sinh và 22 cán bộ, giáo viên huấn luyện đội tuyển đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024.

Trường Đại học Phú Xuân: Phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế
Giáo dục

Trường Đại học Phú Xuân: Phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế

Trải qua 21 năm đầy nỗ lực, Trường Đại học Phú Xuân (thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế là một trong những ngôi trường đào tạo hàng đầu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, năm học 2023 - 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của nhà trường khi vinh dự đạt được nhiều thành tích xuất sắc.