Triển khai học bạ số, văn bằng số, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu trong giáo dục và đào tạo, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học. Qua đó, cơ bản đã số hóa các thông tin phục vụ công tác quản lý tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm để khai thác các dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý.
Đối với giáo dục đại học, công tác tuyển sinh những năm gần đây hoàn toàn thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đến nay, các cơ sở đào tạo khi thực hiện đề án tuyển sinh với các minh chứng của đề án tuyển sinh đều đã được số hóa. Bộ GD-ĐT cùng các trường đã thực sự tương tác trong quản lý điều hành qua môi trường số, thông qua cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.
Trên cơ sở dữ liệu, Bộ đã triển khai rất nhiều ứng dụng và trong tương lai sẽ tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng khác có liên quan để thực hiện chuyển đổi số. Đơn cử, việc chấm điểm thi đua của các cơ sở đào tạo đã không còn thực hiện trên giấy mà chấm điểm trên máy tính.
Về hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, đến nay, hệ thống tuyển sinh khá hoàn chỉnh với người dùng là thí sinh. Thí sinh đóng lệ phí qua hình thức trực tuyến (thay vì thanh toán bằng tiền mặt như trước kia) và chỉ cần tương tác với ứng dụng cho tất cả nguyện vọng của mình. Hàng năm, có khoảng hơn 700.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học với 3,5 triệu nguyện vọng đăng ký được hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động. So với khoảng thời gian cách đây 5-10 năm, chúng ta đã thực sự chuyển đổi hoàn toàn trên môi trường số đối với công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, một trong những nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị triển khai trong thời gian tới là văn bằng số. Văn bằng là kết quả đầu ra rất quan trọng cho quá trình đào tạo, học tập, tuy nhiên thực tế tồn tại rất nhiều bất cập trong quản lý văn bằng, như tình trạng bằng giả. Với việc triển khai văn bằng số thì tới đây, các văn bằng từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp các phương thức đào tạo đại học, sau đại học sẽ được số hóa. Văn bằng giấy vẫn được giữ, nhưng khi đã số hóa thì việc quản lý, sử dụng hoàn toàn trên môi trường số, trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Với việc triển khai văn bằng số, chúng ta cũng từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giáo dục đại học. Văn bằng là “đầu ra” nhưng sẽ gắn với những dữ liệu liên quan đến “đầu vào” và quá trình đào tạo. Đây là bước rất quan trọng để nâng cao quản lý cả một chuỗi đào tạo từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”, hạn chế các vấn đề về bằng giả, vấn đề tiêu cực về văn bằng. “Khi đã làm văn bằng số thì sẽ không còn bằng giả”, ông Hải khẳng định.
Một chính sách khác cũng chuẩn bị được triển khai và có nhiều tác động là học bạ số. Theo ông Hải, từ năm 2024, chúng ta đã thực hiện thí điểm học bạ số, tới năm 2025 dự kiến sẽ triển khai chính thức. Khi đã triển khai học bạ số, sẽ không còn học bạ giấy.
Hiện nay, các trường đại học khi xét tuyển vẫn dùng học bạ nửa số và nửa giấy. Dữ liệu ban đầu để các trường xem xét là dữ liệu số, nhưng khi thí sinh trúng tuyển lại phải mang học bạ giấy để xác nhận. Tuy nhiên tới đây sẽ không còn học bạ giấy mà thay thế hoàn toàn bằng học bạ số, có giá trị pháp lý trong các tình huống sử dụng.
Ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định việc số hóa học bạ, văn bằng sẽ tăng cường, nâng cao cải cách hành chính của ngành giáo dục thông qua môi trường số, hướng đến vừa hiện đại, vừa công khai, vừa minh bạch.
Cũng theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục tới đây sẽ đẩy mạnh phương thức đào tạo trực tuyến. Đối với giáo dục đại học, đào tạo trực tuyến là yêu cầu rất quan trọng để các trường nâng cao năng lực đào tạo.
Để thúc đẩy việc đào tạo trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn và đang phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai một hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung trên nền tảng MOOC. Tới nay, đã có 4 cơ sở đào tạo bước đầu tích cực tham gia hệ thống này gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Hệ thống nhằm mục tiêu xây dựng nền tảng dùng chung; các trường cùng cộng tác, phối hợp để triển khai các hoạt động đào tạo trực tuyến, chia sẻ, kế thừa nguồn lực trong công tác đào tạo.
Ông Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh, đây cũng là cốt lõi của mô hình giáo dục đại học số mà tới đây ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh triển khai, mở rộng với các cơ sở đào tạo khác.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tạo bước phát triển bứt phá cho ngành giáo dục
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng, tạo ra những bước phát triển bứt phá cho ngành giáo dục.
“Có lẽ không một ngành nào sẽ chịu ảnh hưởng mạnh dưới tác động của chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo như ngành giáo dục và cũng không có ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều từ những phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như ngành giáo dục”, Thứ trưởng nói, đồng thời khẳng định bên cạnh việc chịu tác động, được hưởng lợi từ những tiến bộ này thì ngành giáo dục còn có sứ mệnh rất lớn là đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, cũng như bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hiểu biết về công nghệ số cho người dân.
Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD-ĐT đã được Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án 131). Trong quá trình triển khai, chúng ta đạt được rất nhiều kết quả quan trọng.
Thời kỳ dịch Covid-19, chúng ta chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, chứng tỏ năng lực của cả ngành trong khả năng thích ứng, chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu, biến động của bối cảnh mới. Thứ trưởng nhìn nhận đây là bước đi quan trọng, nhưng chưa thể nói là chuyển đổi số trong ngành. Để thực hiện chuyển đổi số phải bắt đầu với việc đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức quản lý về giáo dục, quản trị nhà trường và trong việc dạy và học, không đơn thuần là mang những tài liệu, bài giảng từ môi trường trực tiếp lên môi trường mạng.
Thứ trưởng nêu một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục, chính là đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến, tạo thuận lợi cho cả người học và các nhà trường.
Thứ trưởng khẳng định, chúng ta đã làm được một số việc rất quan trọng, nhưng trong bối cảnh mới và sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đặt ra thời cơ và thách thức to lớn. Việt Nam trong giai đoạn sắp tới có rất nhiều cơ hội khi các tập đoàn nước ngoài đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số.
Bên cạnh việc chuyển đổi số trong ngành thì ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học có nhiệm vụ hết sức quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và lĩnh vực công nghệ số. Qua đó, thu hút được các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là những công đoạn liên quan đến nghiên cứu và phát triển; tạo thêm thị trường lao động và thu hút thêm sinh viên vào học những ngành này.
"Chúng ta làm tốt việc này chính là tạo điều kiện để thu hút các tập đoàn nước ngoài, từ đó thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng nói.