Bộ GD-ĐT trả lời về đề xuất miễn học phí con giáo viên

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện Ban soạn thảo đang đánh giá tác động và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo cho phù hợp.

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi của nhà giáo đang công tác. Với đề xuất này, căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.

Bộ GD-ĐT đang đánh giá tác động và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, trong quá trình soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo nhận được một số ý kiến, nguyện vọng của nhà giáo cùng các ý kiến góp ý nên đề xuất quy định này.

Đây là chính sách ưu đãi cho nhà giáo, đồng thời cũng là chính sách giúp thu hút người giỏi vào ngành, cũng như giúp nhà giáo có đời sống tốt hơn để ổn định, yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Tuy nhiên, khi đưa ra đề xuất, đã có nhiều ý kiến từ phía dư luận xã hội cũng như các đại biểu Quốc hội phản ánh.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục Vũ Minh Đức nhấn mạnh, tinh thần của Ban soạn thảo rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của cử tri, của nhân dân cũng như của đội ngũ nhà giáo; nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động của đề xuất này tới tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, đảm bảo phù hợp, hài hòa với các ngành nghề khác và đảm bảo phù hợp với nguyện vọng chung của đội ngũ nhà giáo theo quy định chung.

“Chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội là những vấn đề đã rõ, được sự đồng thuận cao sẽ đưa vào trong dự thảo Luật. Còn những vấn đề mà ý kiến đồng thuận chưa cao thì tiếp tục nghiên cứu và có thể không đưa vào trong dự thảo Luật. Hiện nay, chúng tôi đang đánh giá tác động và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh như thế nào để phù hợp và đảm bảo nguyên tắc chung này”, TS Vũ Minh Đức cho hay.

dsc-3970-1720611486709-2-7651.jpg
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT)

Cần tiếp tục bàn luận để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc thực hiện

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi của nhà giáo đang công tác nhân văn, rất mới và đột phá, thể hiện nhất quán tinh thần của Đảng và Nhà nước khi xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục đào tạo, là tài sản và vốn quý báu của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.

Đây là thông điệp mang tính thấu hiểu và động viên rất lớn của Chính phủ, của tư lệnh ngành với các nhà giáo, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ giáo viên, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng sống, đồng thời tạo động lực cho sự tâm huyết tiếp tục đóng góp của họ.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, đề xuất này cần tiếp tục bàn luận để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc thực hiện. Cần xác định lại phạm vi nội hàm của đối tượng thụ hưởng, là giáo viên, giảng viên hay là nhà giáo nói chung.

Để đảm bảo tính công bằng, cũng phải tính đến cả những nhà giáo trong hệ thống công lập và trong hệ thống tư thục. Cần có chính sách thế nào với những nhà giáo là người nước ngoài đang phục vụ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, đảm bảo sự khả thi.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính sách này nếu thực hiện sẽ tạo ra nhiều tranh luận vì nhiều ngành nghề khác cũng cống hiến, phụng sự xã hội và gặp nhiều khó khăn nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ tương tự. Điều này có thể làm dấy lên những thắc mắc về việc liệu chính sách này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm nghề nghiệp hay không.

“Ngay cả khi chính sách được thực hiện, có lẽ bản thân một số nhà giáo ở những địa phương thuận lợi, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng có thể từ chối không nhận với mong muốn nhường quyền lợi cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Với nhà giáo, nhiều khi việc được cho đi, được làm những điều phù hợp với giá trị sống và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh mới là điều quý giá nhất họ hướng đến”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

vie-7683-1700222235323-3-6010.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đề xuất này cần tiếp tục bàn luận để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc thực hiện (Ảnh: Quốc Việt)

Chỉ nên áp dụng với đối tượng cụ thể thay vì áp dụng theo ngành nghề

Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, Dự thảo Luật nhà giáo được ban hành khẳng định Bộ GD-ĐT đã nỗ lực xây dựng luật để định danh vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Từ đó, đưa ra những quy định trong ứng xử của nhà giáo, cùng hàng loạt chính sách khác, với mục đích tôn vinh và thêm một số chế độ, chính sách cho nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy vậy, khi cơ quan trình đưa ra chính sách phải nêu được lý do, giải trình thuyết phục. Nhưng lý do đưa ra chính sách này chưa thỏa đáng, mới chỉ xoay quanh việc cần tôn vinh nhà giáo và có những chế độ đãi ngộ xứng đáng.

“Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8.10, Dự thảo Luật nhà giáo đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nhưng qua rà soát, đối tượng đang được miễn, giảm học phí đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, hộ nghèo,... Nhà giáo không gặp khó khăn như các đối tượng chính sách trên, nên nếu xếp chung với các đối tượng này chưa thật sự hợp lý. Tính đến nay, chưa có ngành nghề nào trong xã hội con em được miễn học phí”, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, một giáo viên dạy Toán tại trường THCS ở Hà Nội cho rằng mục đích của chính sách trên chủ yếu tạo điều kiện cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, giúp họ yên tâm công tác và thu hút người tài vào ngành.

Song, giáo viên này cho rằng không cần thiết có đề xuất miễn giảm học phí cho con em giáo viên, bởi mức học phí hiện nay không phải vấn đề quá lớn. Thực tế, con em của giáo viên có nhiều cơ hội học tập hơn con em các gia đình lao động khác. Đối tượng được hưởng chính sách nên là con em nông dân, các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc,... tránh để học sinh bỏ học bởi hoàn cảnh khó khăn.

“Điều các giáo viên hiện nay quan tâm là các chế độ phụ cấp đặc thù của nhà giáo, phụ cấp thâm niên không bị bãi bỏ khi thực hiện chính sách lương mới. Đặc biệt, hãy quan tâm đến giáo viên mầm non, những người phải làm việc 8 tiếng/ngày nhưng hệ lương lại đang xếp ở mức thấp nhất. Chúng tôi trân trọng việc Bộ GD-ĐT ban hành chính sách, nhưng chỉ nên áp dụng với đối tượng cụ thể thay vì áp dụng theo ngành nghề, tránh tạo sự bất công với xã hội”, cô giáo này nhấn mạnh.

Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?
Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? …

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt
Chính trị

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang kiến nghị quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành theo cấp độ đào tạo và theo vùng kinh tế, để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt theo từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó bảo đảm sự cân bằng, hiệu quả về cơ cấu, số lượng, trình độ lao động theo đặc điểm từng vùng kinh tế.

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi
Giáo dục

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi

Để thu hút giảng viên trình độ cao, các cơ sở giáo dục đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh đang “tung” nhiều chính sách hấp dẫn. Việc này nhằm tăng chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng theo chuẩn, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích cách quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 đang gây tranh luận

Chiều ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về cách quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học năm 2025, đang gây tranh luận trên các diễn đàn như cách tính điểm quy đổi giữa các phương thức tuyển sinh?, nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào?, độ tin cậy về dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ khi xét tuyển đại học?...

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57
Giáo dục

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57

Chiều 3.4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp theo nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm
Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.