- Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, bà có thể chia sẻ một số kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh đại học năm 2023?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Năm 2023, cả nước có 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là 660.258 em, chiếm tỷ lệ 65,90% trong tổng số dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, tỷ lệ này là 61,34%.
Tuy các tỷ lệ này là thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực, thực chất năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT - đây là quy trình đăng ký xét tuyển đổi mới từ năm 2022.
Số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có giảm so với năm 2022 (1.011.589 thí sinh dự thi). Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022.
Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 là 61,1%. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 chiếm 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên chiếm 85,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chiếm 32,2%. Số thí sinh trúng tuyển thẳng theo Quy chế xác nhận nhập học ngay chiếm 30,48%.
Về tỷ lệ nhập học ở năm 2022, đến ngày 31.12.2022, số liệu ghi nhận là có gần 500.000 thí sinh trúng tuyển và nhập học vào đại học chính quy (so với tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT của năm 2022). Tuy nhiên, số liệu thí sinh xác nhận nhập học đại học ngay đợt 1 ở năm 2022 có thấp hơn và sau đó các trường đã thực hiện các đợt tuyển sinh bổ sung theo quy định trong Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Năm 2023, trong tuyển sinh đại học đợt 1, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng của năm 2022). Sau khi thí sinh xác nhận nhập học đợt 1, các trường có thể tuyển sinh các đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu tuyển sinh) cho tới 31.12.2023 theo quy định.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá tỷ lệ nhập học năm nay dự kiến cũng tương tự như năm 2022, có nghĩa là số lượng thí sinh thực sự nhập học đợt 1 vào các trường đại học cũng sẽ chưa đến 500.000 em.
Lưu ý đối với các cơ sở đào tạo, thời điểm này thí sinh đang trong giai đoạn xác nhận nhập học trực tuyến, do vậy các trường cần quan tâm nhắc nhở, hướng dẫn thí sinh trúng tuyển thực hiện đúng quy trình và thời gian nhập học theo quy định.
- Năm nay, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi nào liên quan đến quy trình tuyển sinh, hệ thống, nền tảng hạ tầng để tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Với nền tảng hạ tầng đã được chuẩn bị ngày càng tốt hơn từ năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong được thực hiện triệt để trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh năm 2023, thậm chí ngay từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Quy trình xét tuyển về cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Điểm đặc biệt của kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 là thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo (không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển), không bị giới hạn số lần. Việc đăng ký xét tuyển thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, thí sinh không phải nộp minh chứng về lịch sử thường trú để được cộng điểm ưu tiên theo khu vực; nộp lệ phí xét tuyển hoàn toàn trực tuyến thông qua dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện xét tuyển và xử lý nguyện vọng chung, tổ chức thi năng khiếu cho thí sinh hoặc thi khác (nếu có); các trường xây dựng phương án để không xảy ra tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển (do cơ sở đào tạo đã tuyển đủ).
Đồng thời, các trường thực hiện rà soát các trường hợp được cộng điểm ưu tiên theo lịch sử thường trú; có phương án hỗ trợ thí sinh giải quyết các vướng mắc, sai sót triệt để để tránh rủi ro; chịu trách nhiệm trước xã hội về tuyển sinh và đào tạo.
Với các cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều so với các năm trước 2022, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.
- Bên cạnh những kết quả tốt đã đạt được, bà đánh giá chúng ta còn những hạn chế nào cần cải thiện để công tác tuyển sinh những năm tới hiệu quả hơn?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Năm 2023, vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học tiến hành xét tuyển sớm không dự báo được số thí sinh ảo. Bộ GD-ĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong năm học tới.
- Việc hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm học 2023-2024; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh năm 2025 đang được chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2024. Lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Các trường cũng cần định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi - khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!