Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn
Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Quyết định về Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.
Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là cơ sở để các trường xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, báo cáo Bộ GD-ĐT trước khi tuyển sinh.
Tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của nhiều nước phát triển
Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ là những yêu cầu chung tối thiểu áp dụng đối với tất cả các chương trình đào tạo của các ngành trình độ đại học và thạc sĩ theo quy định hiện hành tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Chuẩn này bao gồm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả, đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.
Chuẩn chương trình đào tạo được xây dựng theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn đáp ứng bậc trình độ trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Quá trình xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về vi mạch bán dẫn; tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cựu người học đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo có liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Đồng thời, tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Chuẩn này là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.
Căn cứ vào định hướng đào tạo và điều kiện thực tiễn, các trường có thể xây dựng chương trình giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng học ngoại ngữ cho người học và từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng trang bị cho người học các kỹ năng liên ngành như lập trình, mô phỏng và phân tích dữ liệu, giúp người học phát triển tư duy công nghệ và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu, đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhân lực trong nước và quốc tế về vi mạch bán dẫn.
Lấy người học làm trung tâm, chủ thể chính của quá trình đào tạo
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu; sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Người học được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hành để đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời có khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của công nghệ và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn đầu ra của Chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành/lĩnh vực/ngành đào tạo tương ứng.
Cơ sở đào tạo sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra với mức độ năng lực phù hợp với đặc thù của từng chương trình đào tạo, nhưng phải đáp ứng tối thiểu theo Thang trình độ năng lực Bloom tương ứng với từng trình độ đào tạo (Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ).
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Những yêu cầu này nhằm bảo đảm người học có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Cấu trúc của chương trình đào tạo bao gồm các thành phần chính: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức bổ trợ và khối học phần tốt nghiệp.
Phương pháp giảng dạy được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể chính của quá trình đào tạo. Việc đánh giá kết quả học tập không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn bao gồm năng lực thực hành, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng và thái độ của người học, nhằm phản ánh đầy đủ năng lực toàn diện.
Đưa Việt Nam trở thành "mắt xích" quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành bán dẫn
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Để thực hiện chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT đã lập tức ban hành kế hoạch hành động, ra quyết định thành lập tổ công tác, Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Theo GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong giáo dục và địa chính trị để phát triển lĩnh vực bán dẫn.
Nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.
“Với những chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ trong kỷ nguyên mới, tôi tin rằng lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng. Đây không phải là một ngành công nghiệp mà là một siêu ngành công nghiệp”, GS.TS Chử Đức Trình cho hay.
GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh, trên thế giới, vi mạch bán dẫn là nền tảng của cách mạng công nghiệp, đất nước nào tham gia sâu vào quy trình bán dẫn thì đất nước ấy phát triển. Trong thời gian vừa qua, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có sự dịch chuyển rất mạnh do hai yếu tố: sự đứt gãy sau đại dịch Covid-19 và sự đấu tranh địa chính trị giữa các nước. Bên cạnh đó trên thế giới, xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đang nổi lên.
Về bối cảnh trong nước, bên cạnh các Quyết định quan trọng đã được Chính phủ ban hành, chúng ta cũng đang đón chờ một sự chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện từ các nước xung quanh và chính từ doanh nghiệp Việt Nam để triển khai thực hiện.
“Mục tiêu của chúng ta là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn”, GS.TS Chử Đức Trình nói.