Theo đó, Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản đề thi môn Toán được cho là đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Bộ GD-ĐT khẳng định, đây không phải là đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
"Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và sẽ được công bố trong thời gian tới", thông báo từ Bộ GD-ĐT cho biết.
Trước đó, phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một trong những nội dung thảo luận chính trong phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phiên họp diễn ra hôm 14.11, tại Trụ sở Chính phủ, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến công luận với 3 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Các phương án đều có 2 môn thi trong số các môn học lựa chọn nhưng khác nhau về số môn thi thuộc nhóm các môn học bắt buộc.
Phương án thứ nhất gồm 6 môn thi, trong đó có 2 môn trong nhóm các môn học lựa chọn và 4 môn là các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ.
Phương án hai gồm 5 môn, ngoài 2 môn học lựa chọn có 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Phương án ba gồm 4 môn thi, gồm 2 môn lựa chọn và các môn Toán, Ngữ văn.
Bộ GD-ĐT cho hay đa số ý kiến thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ủng hộ phương án thi 4 môn. Thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn thi còn lại được học ở lớp 12 gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học. Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Phát biểu tại Phiên họp Hội đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc tổ chức phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 bảo đảm đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu, hiệu quả, "học gì thi nấy"; đánh giá chính xác, thực chất năng lực, quá trình học tập của học sinh. Mọi phương án thi tốt nghiệp THPT đều phải có ngân hàng đề chất lượng, đảm bảo được chuẩn hóa, quy chế bảo đảm thực hiện thống nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cung cấp thông tin khoa học, công khai, minh bạch để nhân dân biết được chủ trương, quá trình triển khai, cách thức thực hiện đổi mới thi cử so với mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ tất cả các phương án, đề xuất về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, bao gồm cả yêu cầu về quản lý Nhà nước, điều kiện tổ chức thực hiện như ứng dụng hạ tầng chuyển đổi số, dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm đổi mới thêm một bước tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT xây dựng đề án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 toàn diện, có giải pháp cụ thể về ngân hàng đề thi và tổ chức thực hiện, tính đến phương án thí điểm phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương. Đây cũng là nội dung để tuyên truyền, thông tin đến nhân dân, huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tạo sự đồng thuận, bảo đảm nguyện vọng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.